Theo lời kể của bà Phạm Thị Kim Hoàng (50 tuổi, ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè), đầu năm 2014 con gái lớn của bà là Nguyễn Hoàng T. sinh một bé trai, nhưng sau đó bỏ nhà đi để con lại cho bà nuôi. Đứa bé được bà Hoàng làm giấy khai sinh, lấy tên N.P.Q. (tên gọi ở nhà là Giao).
Một thân một mình, bà Hoàng vừa làm ngoại vừa làm mẹ, lại còn phải nuôi con gái út đang tuổi ăn học. Do vậy, bà quyết định tìm người trông giữ cháu (khi đó được 2 tuổi) để yên tâm đi làm. Thông qua bạn bè giới thiệu, bà Hoàng gửi cháu cho bảo mẫu tên Nguyễn Thị M. (sống tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) chăm sóc.
“Trả 32 triệu mới được đón cháu”
“Suốt 2 năm đầu tôi có trả tiền công cho bà M. mỗi ngày 60.000 đồng. Nhưng sau đó xảy ra một số mâu thuẫn nên quyết định không gửi cháu cho bà M. nữa, mà gửi cho người khác với tiền công 50.000 đồng/ngày”, bà Hoàng nhớ lại.
Tuy nhiên sau đó vài tháng bà M. chủ động đến làm hòa, xin được tiếp tục giữ cháu Q. mà không bàn về tiền bạc.
Trong gần 2 năm tiếp theo, mỗi ngày bà Hoàng vẫn đưa đón cháu bình thường. Nhưng đến tháng 6-2020, khi bà Hoàng đến đón cháu Q. đi làm thủ tục nhập học mẫu giáo thì vợ chồng bà M. ra sức ngăn cản. Lúc này, vợ chồng bà M. bất ngờ đòi tiền đã nuôi cháu Q..
“Họ bắt tôi phải trả 32 triệu đồng tiền trông giữ bé Q. mới được đón cháu, nhưng tôi không có tiền”, bà Hoàng kể trong nước mắt.
Ngày 10-7-2020, bà Hoàng đến địa chỉ nhà trọ bà M. thuê ở thì phát hiện vợ chồng bà M. đã trả phòng, ngắt liên lạc và dẫn theo cháu Q..
Tìm đến khu nhà trọ nơi vợ chồng bà M. cùng bé Q. sinh sống trước đây, chúng tôi được anh Nguyễn Tấn Lực (chủ nhà trọ) cho biết: vợ chồng bà M. đã trọ ở đây nhiều năm, chồng bà M. làm nghề thợ hồ, còn bà M. ở nhà nội trợ.
Do không có con nên kể từ khi nhận nuôi bé Q., vợ chồng bà M. hết mực thương yêu, chăm lo như con ruột. “Họ gọi bé Q. là con, bé Q. cũng gọi họ là ba, mẹ. Thỉnh thoảng bà Hoàng mới mang theo sữa, bánh kẹo đến thăm cháu”, anh Lực kể.
Có dấu hiệu cưỡng đoạt người dưới 16 tuổi
Ngày 5-10, đại diện lãnh đạo UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè xác nhận với chúng tôi có sự việc nói trên xảy ra trên địa bàn xã.
UBND xã Nhơn Đức cho biết đã nhiều lần đứng ra tổ chức hòa giải giữa hai bên nhưng không thành. UBND xã cũng phát đi thông báo tìm mẹ ruột của bé Q., nhưng đến nay vẫn không có tung tích của người phụ nữ này.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, trường hợp này bà Hoàng mới là người có quyền giám hộ bé theo Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu.
“Lẽ ra trong trường hợp này bà M. không nên tự ý đưa cháu Q. đi, mà cần trao đổi với bà ngoại (bà Hoàng) và tìm mẹ ruột cháu Q. để làm các thủ tục nhận con nuôi”, luật sư Hậu nhận định. Luật sư Hậu cũng cho biết thêm hành vi của bà M. và chồng có dấu hiệu tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.
Còn luật sư Đỗ Trúc Lâm – Đoàn luật sư TP.HCM – cho biết Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý từ cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ.
Trường hợp của bé Q., nếu không xác định được người cha thì cần có sự đồng ý của người mẹ. Trường hợp người mẹ bỏ đi đâu không rõ thì trước tiên bà Hoàng phải làm thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố mất tích đối với cô con gái (mẹ cháu Q.). Sau đó với tư cách người giám hộ của cháu, bà Hoàng mới có quyền đồng ý cho vợ chồng bà M. nhận cháu làm con nuôi.