Góc nhìn luật sư về “tiền cảm ơn” và “tiền hối lộ” vụ chuyến bay giải cứu

(Dân trí) – “Cần nhìn vào cốt lõi, rằng số tiền cảm ơn như lời các bị cáo khai kia, bản chất cần được coi là tiền hối lộ. Việc họ không thừa nhận chỉ là sự ngụy biện vụng về của những người có chức vụ”.

Trong quá trình tham gia xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, nhiều bị cáo là những cựu cán bộ, quan chức, từng giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam khai nhận đã nhận “tiền cảm ơn” của các doanh nghiệp vì không ý thức được rằng đó là tiền vi phạm pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, khái niệm “tiền cảm ơn” và “tiền hối lộ” trong các vụ án tham nhũng có sự khác biệt nhau như thế nào?

Cần nhìn nhận vào gốc rễ của số tiền cảm ơn

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, bản chất của hối lộ là hành vi mua bán, trao đổi quyền lực, trao đổi lợi ích giữa các bên trong một mối quan hệ bất hợp pháp. Trong đó, một bên là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang thực hiện những công việc, hoạt động kinh doanh, còn bên còn lại là những người có chức vụ, quyền hạn, thi hành công vụ của Nhà nước và có quyền lực, quản lý hoạt động của những tổ chức, cá nhân đó.

Góc nhìn luật sư về tiền cảm ơn và tiền hối lộ vụ chuyến bay giải cứu - 1
LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM.

Ở mối quan hệ này, phía cá nhân, doanh nghiệp sẽ “hối lộ” bằng một trong 2 hình thức là bằng tiền hoặc bằng quà cáp cho bên có quyền lực để đảm bảo công việc của mình được lưu thông, thông suốt theo mong muốn của các bên, để hưởng lợi từ các hoạt động mà lẽ ra người có chức vụ cần phải làm, trợ giúp cho mình.

Dưới góc độ pháp lý, hối lộ là hoạt động bất hợp pháp và đã được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự 2015 với các tội danh là Đưa hối lộ (Điều 364), Nhận hối lộ (Điều 354) và Môi giới hối lộ (Điều 365).

Trên thực tế, các vụ án liên quan tới hối lộ có thể xảy ra theo 2 trường hợp, đó là bên đưa tự nguyện, chủ động đưa tiền, hiện vật cho bên nhận hoặc bên đưa bị ép buộc, gợi ý, sử dụng những chiêu trò sách nhiễu nhằm buộc phải đưa hối lộ cho bên nhận. Theo luật sư Hậu, trong vụ án “chuyến bay giải cứu” lần này, đa phần các trường hợp đưa hối lộ rơi vào trường hợp 2, tức rơi vào trạng thái buộc phải đưa hối lộ để được hưởng những quyền lợi mà lẽ ra mình được hưởng.

Nói về số tiền “cảm ơn” mà lãnh đạo doanh nghiệp đưa cho các bị cáo có chức vụ, quyền hạn, luật sư Hậu cho biết trên thực tế, việc cảm ơn một người sau khi hoàn thành một công việc nào đó không phải điều hiếm gặp. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, cần nhìn nhận trực tiếp vào gốc rễ và bản chất của vấn đề, rằng số tiền này bản chất là “tiền hối lộ”, không phải “tiền cảm ơn” như các bị cáo khai trước tòa.

“Từ lời khai các bị cáo tại phiên tòa, cần đặt câu hỏi rằng, có ai đi cảm ơn sau khi hoàn thành công việc với số tiền bằng cả một gia tài như vậy không? Nếu không có việc sách nhiễu, gây khó dễ trong việc cấp phép chuyến bay, chủ các doanh nghiệp liệu có cảm ơn với lượng tài sản khổng lồ như vậy hay không?

Trên thực tế, việc cảm ơn bằng vật chất có xuất hiện, song tài sản của những món quà đó thường sẽ không lớn. Còn đối với vụ án này, cần nhìn vào cốt lõi của vấn đề, rằng số tiền cảm ơn như lời các bị cáo khai trước tòa kia, bản chất cần được coi là tiền hối lộ để công việc được suôn sẻ. Việc các bị cáo không thừa nhận chỉ là sự ngụy biện vụng về của những người có chức vụ”, luật sư Hậu nêu vấn đề.

Công chức, người có chức vụ có được nhận quà của người dân hay không?

Về căn cứ pháp lý, luật sư Hậu cho biết pháp luật đã quy định cụ thể và nghiêm cấm các hành vi đưa, nhận hối lộ. Ngoài ra, Luật Cán bộ, công chức 2008 cũng quy định những điều cán bộ, công chức không được làm liên quan tới công vụ, trong đó có hành vi lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.

Bên cạnh Luật Cán bộ, công chức 2008 đưa ra quy định chung, đối với mỗi ngành, nghề cụ thể cũng sẽ có những văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bộ quy tắc ứng xử để đối chiếu, xác định hành vi nhận quà từ người dân có phải vi phạm pháp luật hay không.

Ví dụ như trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý Nhà nước, Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định nghiêm cấm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý. Tương tự, các lĩnh vực khác cũng sẽ có những văn bản liên quan để đối chiếu, làm tiêu chuẩn, quy tắc cho cách ứng xử, làm việc của cán bộ, công chức trong lĩnh vực đó.

“Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cán bộ là đầy tớ của nhân dân và có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm, bổn phận với người dân, đảm bảo tối đa quyền lợi của họ theo pháp luật mà không màng tới bổng lộc, lợi ích cho bản thân. Trong vụ án chuyến bay giải cứu, nếu đặt giả thiết rằng các cán bộ không sách nhiễu để bắt người dân đưa hối lộ, nhưng trong bối cảnh kinh tế người dân kiệt quệ, hoàn cảnh của họ ở nước ngoài vô cùng khó khăn và ngặt nghèo, người dân đã khổ sở vô cùng mà cán bộ còn nhận cảm ơn của họ thì liệu có chấp nhận được không?”, luật sư Hậu nhấn mạnh.

Hoàng Diệu

Nguồn: Báo Dân Trí

https://dantri.com.vn/ban-doc/goc-nhin-luat-su-ve-tien-cam-on-va-tien-hoi-lo-vu-chuyen-bay-giai-cuu-20230728080246226.htm