Với những chính sách, giải pháp quyết liệt, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như nỗ lực của người dân, hy vọng tình hình giao thông trong năm 2017 và những năm tới sẽ được cải thiện đáng kể
Năm 2016, tình hình giao thông cả nước vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Dù tai nạn giao thông đã giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn xảy ra hàng chục ngàn vụ, làm hàng ngàn người chết và bị thương. Ùn tắc giao thông vẫn tiếp diễn; vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ, đặc biệt là tại các đô thị lớn, các tuyến đường trọng điểm. Công tác bảo đảm trật tự ATGT còn nhiều hạn chế, bất cập…
Nhiều quy định về an toàn giao thông có hiệu lực
Trong năm 2017, điều mong mỏi nhất đối với các cơ quan, ban ngành quản lý cũng như tất cả người dân là thiết lập được trật tự giao thông trên cả nước. Mục tiêu hàng đầu là giảm số lượng các vụ tai nạn giao thông, giảm thiểu số lượng người chết và bị thương; thiết lập lại trật tự giao thông bao gồm cả văn hóa tham gia giao thông của người dân và cách thức quản lý của đội ngũ chuyên trách để hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực.
Văn hóa tham gia giao thông của người dân từng được bàn tới rất nhiều. Dù không phải là chuyện trong một sớm một chiều nhưng văn hóa giao thông không phải là vấn đề không thể thay đổi, điều chỉnh mà nằm ở trách nhiệm thực thi của cơ quan công quyền. Những vi phạm, tiêu cực từ chính những đội ngũ quản lý giao thông đã ít nhiều ảnh hưởng xấu đến tâm lý, hành vi của người tham gia giao thông.
Năm 2017 là năm có hiệu lực của các chính sách pháp luật về ATGT, đơn cử là Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trong đó nhiều lỗi vi phạm giao thông bị phạt. Chẳng hạn, phạt tiền 100.000-200.000 đồng với hành vi không làm thủ tục sang tên chính chủ khi mua, được cho, tặng, phân bổ, điều chuyển, thừa kế tài sản là mô tô, xe máy và các loại xe tương tự; phạt 600.000-800.000 đồng với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường; phạt 2 – 3 triệu đồng với người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ giới hạn của cầu, đường mà tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 50%…
Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ đầu tháng 2-2017, cũng quy định xử phạt 7-10 triệu đồng với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường… Hy vọng những chính sách mới khi có hiệu lực đi vào đời sống sẽ góp phần thiết lập lại trật tự ATGT trên cả nước.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Tình trạng ùn tắc giao thông đô thị không chỉ liên quan đến ý thức người dân, sự quản lý của cơ quan chức năng. Điều đó còn do quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị và cơ cấu phương tiện giao thông, số lượng người dân sử dụng phương tiện cá nhân còn nhiều và chưa có ý thức tham gia các phương tiện giao thông công cộng.
Mới đây, Chính phủ đã họp trực tuyến với lãnh đạo TP HCM về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ nguyên nhân cơ bản, các giải pháp lâu dài cho vấn đề này cũng như huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Cụ thể, Thủ tướng đề nghị TP HCM, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý đô thị của TP như biện pháp về quy hoạch, quản lý đô thị; hạn chế tầng cao, tổ chức di dời một số cơ sở khỏi nội đô; kết hợp phát triển quy hoạch đồng bộ. Đặc biệt, cả Hà Nội và TP HCM phải hạn chế tầng cao khi chưa có phương án giao thông. Có lộ trình hạn chế, đồng thời tăng lượng phương tiện giao thông công cộng một cách quyết liệt hơn. Tổ chức lại không gian vận chuyển của TP như đường sắt trên cao, ngầm hóa trong vận chuyển…
Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Hà Nội và TP HCM cần có biện pháp huy động nguồn lực xã hội, nhất là nguồn vốn tư nhân, bằng các hình thức hợp tác đối tác công-tư (PPP) để đầu tư phát triển hệ thống tàu điện ngầm. Các bộ, ngành hoàn thiện thể chế đầu tư PPP…
Thủ tướng cũng giao Bộ Công an phối hợp với TP HCM làm một trung tâm chỉ huy, điều tiết giao thông hiện đại, kết nối từ xa, hạn chế ùn ứ, tuyên truyền cho người dân chấp hành luật lệ giao thông… Ngoài ra, sẽ có cơ chế thuận lợi cho TP HCM trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối, giải quyết ùn tắc giao thông trong thời gian ngắn nhất…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đi liền với tuyên truyền cần xử phạt nghiêm vi phạm bởi nếu không xử lý mạnh về kinh tế thì khó mang tính răn đe.