Luật sư Hậu nêu ví dụ giá đất trên đường Bến Vân Đồn (Quận 4) đoạn từ Cầu Dừa đến Nguyễn Tất Thành có giá hiện tại từ 24 triệu đồng/mét vuông được dự kiến điều chỉnh tăng gấp 10 lần, kéo theo nghĩa vụ tài chính đối với đất đai tăng mạnh, vượt quá khả năng của nhiều người dân. Tại các huyện: Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ và Củ Chi, giá đất dự kiến điều chỉnh cũng tăng cao, có nơi tăng 20-30 lần so với bảng giá áp dụng giai đoạn 2020-2024.
Bên cạnh đó, dù giá đất tăng có những tác động tích cực như người dân có đất bị thu hồi sẽ được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng; giúp ngân sách Nhà nước từ đất tăng thêm… nhưng kéo theo đó là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ tăng, làm tăng chi phí đầu tư, kể cả dự án đầu tư công và dự án của các doanh nghiệp tư nhân.
Vì thế theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, nên tiếp tục áp dụng bảng giá đất hiện hành quy định tại Quyết định 02/2020 của UBND TP.HCM đến hết ngày 31/12/2025 theo quy định của Luật Đất đai 2024, để có thêm thời gian sửa đổi, bổ sung Dự thảo phù hợp với tình hình thực tế: “Cần thiết phải đánh giá tác động một cách toàn diện đối với người dân khi họ thực hiện bảng giá đất mới này, bởi nó tác động đến nhiều nhóm đối tượng. Chúng ta cần ghi nhận thêm ý kiến của người dân và các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp. Từ đó đưa ra mức giá tối ưu, bảo đảm đúng nguyên tắc mà Luật Đất đai và Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương quy định, đó là bảng giá đất đó phải “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư”.
Đồng ý khuynh hướng tăng giá đất vì phù hợp với Nghị quyết 18 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai, tuy nhiên, theo luật sư Trương Thị Hòa, việc tăng giá đất cần quan tâm đến việc khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.
Nếu giá đất tăng quá cao và không phù hợp với tình hình đặc điểm của thị trường thì sẽ tác động ảnh hưởng đến giao dịch bất động sản, gây áp lực tâm lý cho người dân.