Trước tình trạng y tế đang khó khăn vì thiếu thuốc, vật tư, nhân viên nghỉ việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP HCM sớm ngăn chặn khủng hoảng này.
Yêu cầu trên được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói tại buổi tiếp xúc các cử tri nhân sĩ, trí thức ở TP HCM ngày 21/6, sau khi nghe các ý kiến lo ngại về tình trạng nhiều lãnh đạo cấp cao ngành y tế bị kỷ luật; người bệnh gặp khó khăn trong tiếp cận thuốc, vật tư y tế còn nhân viên nghỉ việc hàng loạt.
Đánh giá y tế là vấn đề thời sự nhất hiện nay, Chủ tịch nước dẫn chứng báo chí gần đây phản ánh Viện Pasteur không còn vật phẩm y tế cần thiết để làm công việc chuyên môn, nhiều bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế để phục vụ người bệnh. Do đó, trong phạm vi trách nhiệm, TP HCM cần chủ động tháo gỡ để bảo vệ sức khoẻ của nhân dân thành phố và các bệnh nhân ngoại tỉnh đến chữa bệnh.
“Ở tầm quốc gia, Chính phủ phải tháo gỡ, nhưng chính quyền TP HCM cũng cần đưa ra giải pháp cụ thể trước tình trạng bức xúc này”, ông nói và đề nghị thành phố phải đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế, ổn định giá cả, khơi thông bất cập trong đấu thầu, mua sắm thuốc, giải bài toán thiếu thuốc và các vật tư tiêu hao.
Theo người đứng đầu nhà nước, để giải quyết các vấn đề y tế hiện nay phải có giải pháp chiến lược, nhưng cũng cần những bước đi kịp thời để giải quyết các vấn đề đang “găm” sức khoẻ của người dân.
“Trước tiên là ngăn chặn khủng hoảng hệ thống y tế thành phố bởi vì quá nhiều người bỏ việc, phải có chương trình trung, dài hạn”, ông nói và cho rằng y tế đang bị xói mòn, khó khăn nên cần sớm giải bài toán thiếu thuốc, vật tư, tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm để chăm sóc sức khoẻ người dân.
Trước đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam TP HCM, nói rằng vấn đề đáng lưu ý hiện nay là căn bệnh sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Ngay cả những cán bộ liêm chính, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước kia, nay cũng có dấu hiệu bị nhiễm bệnh.
Theo ông Hậu, một số vụ án liên quan ngành y tế đã tác động tâm lý của không ít cán bộ, khiến việc đấu thầu, đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế tại bệnh viện đang bị đình trệ. Việc hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn lực của xã hội cũng dừng lại. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ người dân.
“Ngoài nguyên nhân chủ quan do năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, sợ trách nhiệm còn nguyên nhân do pháp luật có những điểm chưa đồng bộ, chưa minh bạch và trách nhiệm chưa cụ thể”, ông Hậu nói.
Trong khi đó, GS.TS Trần Đông A, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, nhận định việc xử lý loạt cán bộ cấp cao cho thấy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng “không có vùng cấm” nhưng điều này cũng tác động không nhỏ đến ngành y. Nhiều bệnh viện không dám mua thuốc, sinh phẩm xét nghiệm. Phương án xã hội hoá hiện nay cũng không còn phù hợp, nếu không sửa đổi thì dễ dẫn đến sai phạm, “ai cũng có thể dính”. “Hệ quả là nhân dân thiệt thòi”, ông nói.
Bác sĩ Trần Đông A đề xuất thí điểm mô hình quản lý bệnh viện có cả hội đồng chuyên môn nhiều lĩnh vực thay vì chỉ ban giám đốc như hiện nay để tránh sai sót. “Bác sĩ chỉ học chuyên môn, tài chính, hành chính không biết nhiều. Ở bất cứ quốc gia nào, y tế đều là một trong những trụ cột của an sinh xã hội. Nếu y tế trục trặc hệ quả sẽ rất nghiêm trọng”, ông nói.
Thu Hằng
Nguồn: Báo VNEXPRESS
https://vnexpress.net/chu-tich-nuoc-yeu-cau-tp-hcm-ngan-chan-khung-hoang-y-te-4478680.html