Chủ tịch nước: ‘Không để vướng mắc thủ tục mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng đến dân’

TTO – Tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 21-6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị TP.HCM đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế, khơi thông bất cập trong đấu thầu thuốc, giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế, không để ảnh hưởng đến người dân.

Chủ tịch nước: Không để vướng mắc thủ tục mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng đến dân - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri là ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, giới văn nghệ sĩ tại TP – Ảnh: HỮU HẠNH

Chiều 21-6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri là ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, giới văn nghệ sĩ tại TP.

Luật khám chữa bệnh có nhiều vấn đề bất cập

Đưa ý kiến tại buổi tiếp xúc, GS.TS Trần Đông A cho rằng Luật khám chữa bệnh từ lâu đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, trong đó có việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Cụ thể, tình trạng đấu thầu rẻ nhưng lại không đảm bảo chất lượng. Như việc ghép tạng hiện nay, người bệnh không thể dùng thuốc bệnh viện mà phải mua thuốc ở ngoài.

Bên cạnh đó, đợt dịch COVID-19 đã bộc lộ y tế cơ sở hiện nay vừa yếu vừa rất thiếu. Đến nay vẫn đang tồn tại mô hình tháp ngược về bác sĩ chuyên khoa và thực hành tổng quát.

Chủ tịch nước: Không để vướng mắc thủ tục mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng đến dân - Ảnh 2.

GS.TS Trần Đông A nêu nhiều bất cập của ngành y tế thời gian qua – Ảnh: HỮU HẠNH

Đa số bác sĩ khi mới ra trường đều muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa. Thực tế lượng bác sĩ chuyên khoa luôn cao hơn bác sĩ thực hành tổng quát và bác sĩ gia đình. Trong khi các nước hiện nay đều đã tập trung vào mô hình bác sĩ gia đình. Hiện ở Mỹ có 35% và Canada có 50% bác sĩ là bác sĩ gia đình, trong khi Việt Nam lại phát triển mô hình này rất chậm.

Vừa qua hàng loạt cán bộ đầu ngành bị bắt tạm giam do liên quan đến Công ty Việt Á, ông Trần Đông A hoan nghênh về cách xử lý nhanh và quyết đoán của Đảng, Nhà nước và rất tin tưởng vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên việc này cũng tạo tâm lý cho toàn ngành y tế, nhiều bệnh viện không dám mua thuốc, vật tư y tế. Trong khi đó, quy định đã có nhưng hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, cán bộ thực hiện rất dễ sai phạm. Vì vậy việc xây dựng chính sách là quan trọng nhất và cần phải làm ngay.

Cũng về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng vừa qua Bộ Chính trị ban hành kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Hiện nay nổi lên một vấn đề là trong thực thi công vụ, xuất hiện căn bệnh sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch nước: Không để vướng mắc thủ tục mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng đến dân - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu ý kiến về việc bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo – Ảnh: HỮU HẠNH

“Không nói đến những đối tượng cố tình làm sai để trục lợi cá nhân, tham ô, tham nhũng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, mà ngay cả những cán bộ liêm chính, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước kia, nay cũng có dấu hiệu bị nhiễm bệnh”, luật sư Hậu nói.

Khơi thông bất cập trong việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế

Trước thực trạng tổ chức đấu thầu, đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế tại bệnh viện đang bị đình trệ…, ông Nguyễn Văn Hậu cho rằng có nhiều nguyên nhân, trước hết là do năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, sợ trách nhiệm.

Bên cạnh đó, một số quy định có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa minh bạch. Ngược lại cũng có một số quy định rất nghiêm khắc, gây áp lực và có thể tạo ra rủi ro cao trong thực thi nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ trong quản lý tài sản nhà nước hiện nay.

“Cần luật hóa chủ trương của Đảng tại kết luận số 14 được kỳ vọng tạo cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc để khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc, bảo vệ người có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung”, ông Hậu nhìn nhận.

Chủ tịch nước: Không để vướng mắc thủ tục mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng đến dân - Ảnh 4.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị – Ảnh: HỮU HẠNH

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế, ổn định giá cả, khơi thông bất cập trong đấu thầu thuốc, giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế. Đề xuất Chính phủ nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế để triển khai đấu thầu các sản phẩm liên quan đến sức khỏe.

“Không để vướng mắc về thủ tục mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng đến nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người dân. Vật tư y tế cạn nhưng không dám mua làm người bệnh rất khó khăn, nhiều bác sĩ không chịu được áp lực phải nghỉ việc. Ở tầm quốc gia Chính phủ chỉ đạo nhưng TP cũng phải chủ động tìm giải pháp tháo gỡ”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị ngành y tế cả nước và TP.HCM cần có những tổng kết, đánh giá, đề xuất những giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc củng cố năng lực y tế, sắp xếp lại mô hình y tế dự phòng, phát triển mô hình bác sĩ gia đình.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-khong-de-vuong-mac-thu-tuc-mua-sam-vat-tu-y-te-anh-huong-den-dan-20220621173454727.htm