Chống lãng phí: Cùng hành động! (*): Khơi thông cơ chế đặc thù

Việc triển khai các cơ chế đặc thù còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực và cơ hội phát triển

Cơ chế đặc thù được ban hành là công cụ hữu hiệu để các địa phương khai thác tối đa tiềm năng, vượt qua những hạn chế và phát triển một cách bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai các cơ chế này còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực và cơ hội phát triển.

Nhận diện điểm nghẽn

Các cơ chế đặc thù chưa được triển khai quyết liệt đã dẫn đến một số hệ quả nhất định.

Cụ thể, các cơ chế đặc thù thường đi kèm với những ưu đãi, chính sách hỗ trợ đặc biệt để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, thế nên việc chậm trễ trong triển khai đồng nghĩa với việc các địa phương bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng nhanh chóng, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các địa phương khác.

Kế đến, các địa phương triển khai chậm sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh, khó thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Ngoài ra, việc triển khai chậm trễ các cơ chế đặc thù có thể dẫn đến tăng chi phí xã hội do hiệu quả sử dụng nguồn lực giảm sút, chất lượng cuộc sống không được cải thiện, và các vấn đề xã hội chưa được giải quyết triệt để.

Chống lãng phí: Cùng hành động! (*): Khơi thông cơ chế đặc thù- Ảnh 1.

TP HCM họp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. Ảnh: LÊ VĨNH

Đặc biệt, khi các chính sách được ban hành nhưng không được thực hiện một cách hiệu quả, người dân và doanh nghiệp sẽ mất niềm tin vào sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm: Một số cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc triển khai các cơ chế đặc thù hoặc thiếu quyết tâm trong việc thực hiện; một số địa phương thiếu năng lực để xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể hóa các quy định của cơ chế đặc thù; việc phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng chồng chéo trong quá trình thực hiện, gây ra sự chậm trễ và không hiệu quả. Đặc biệt, việc thực hiện các chính sách mới thường đụng chạm đến lợi ích của một số nhóm, dẫn đến sự phản đối và cản trở.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để khắc phục tình trạng triển khai chậm các cơ chế đặc thù, cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Đầu tiên là tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của việc thực hiện các cơ chế đặc thù đến toàn thể cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp. Kế đến, mỗi địa phương cần xây dựng một lộ trình thực hiện cụ thể, với các mốc thời gian rõ ràng và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả.

Cần rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc triển khai các cơ chế đặc thù.

Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức về kiến thức và kỹ năng thực hiện các cơ chế đặc thù. Xây dựng một cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai các cơ chế đặc thù để kịp thời phát hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Đặc biệt là người đứng đầu các cấp cần phải chịu trách nhiệm về tiến độ và hiệu quả của việc triển khai các cơ chế đặc thù.

Ngoài ra, cần xây dựng một cơ chế khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh để khuyến khích những đơn vị, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. 

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM

Nguồn: Báo Người Lao Động

https://nld.com.vn/chong-lang-phi-cung-hanh-dong-khoi-thong-co-che-dac-thu-196241104212237111.htm