Câu chuyện gọi vốn của công ty Arevo và chiếc xe đạp Superstrata của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang tiếp tục “nóng” lên, sau khi cựu Giám đốc Facebook Việt Nam chính thức lên tiếng trên Thanh Niên.
Chiều 3.7, bà Lê Diệp Kiều Trang – lãnh đạo của startup Arevo chính thức lên tiếng về những thông tin liên quan đến chiến dịch gọi vốn xe đạp in 3D do bà và chồng (ông Sonny Vũ) kêu gọi trên trang Indiegogo. Trái với cáo buộc “lừa đảo” từ một số người đã tham gia quá trình gọi vốn nhưng không nhận được xe hoặc nhận sản phẩm không đạt chất lượng, bà Trang cho biết sản phẩm đến nay vẫn trong giai đoạn R&D (nghiên cứu và phát triển), chưa đến được giai đoạn thương mại hóa.
“Arevo kêu gọi cộng đồng tài trợ cho dự án, nghĩa là tặng cho dự án một khoản tiền, để công ty có đủ nguồn lực nghiên cứu phát triển sản phẩm. Doanh nghiệp làm ra thành phẩm sẽ ‘tặng’ lại cho các nhà tài trợ những sản phẩm đầu tay của mình. Người tài trợ trước khi ủng hộ tiền đều đã đồng ý với Indiegogo, họ hiểu đây là những khoản ‘tài trợ'”, bà Kiều Trang chia sẻ với Thanh Niên.
Trên nền tảng gọi vốn Indiegogo, trước khi người dùng quyết định nhấn nút xác nhận chi ra một khoản tiền cho dự án bất kỳ, website đều có thông báo nhắc nhở chủ tài khoản rằng “Gọi vốn cộng đồng không phải là hoạt động mua sắm. Đóng góp của bạn là một cách để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không đảm bảo sẽ nhận lại vật phẩm”. Kèm với đó là khuyến cáo mọi yêu cầu hoàn tiền phải được gửi tới Indiegogo trước thời điểm kết thúc chiến dịch gọi vốn. Sau mốc thời gian này, trách nhiệm và quyết định hoàn toàn thuộc về người phát động chiến dịch.
“Thành viên tham gia góp vốn còn được gọi là ‘backer’, tức những người đã hỗ trợ nguồn vốn cho dự án dù ít hay nhiều. Đổi lại, doanh nghiệp thường gửi tặng lại sản phẩm hoặc quà cho backer thay lời cảm ơn, nhưng kế hoạch đôi khi bất thành do dự án thất bại. Cũng có chủ dự án đứng ra xin lỗi và tìm cách đền bù cho sự tin tưởng của người góp vốn dành cho mình”, một chuyên gia công nghệ chia sẻ.
Anh cho biết bản thân cũng vài lần trở thành backer của một số dự án trên Indiegogo hay Kickstarter (một nền tảng gọi vốn cộng đồng tương tự), trong đó có những dự án nhận về sản phẩm, nhưng đã một đôi lần không có gì đáp lại. Trường hợp của Arevo, công ty này đã sử dụng website Superstrata.bike như là trang fulfilment (dịch vụ hoàn tất đơn hàng) để thu thập thêm các thông tin khác phục vụ cho việc sản xuất và giao thành phẩm. Hiểu đơn giản về cách này, backer sau khi ủng hộ ở Indiegogo sẽ có một mã code để xác nhận sản phẩm tương ứng được nhận trên trang chủ của Superstrata và được quyền tùy chỉnh một vài thông số của xe để phù hợp với cơ thể và nhu cầu của bản thân mà trên Indiegogo không có. ‘Mã code’ này được trừ trực tiếp vào giá niêm yết nên backer có thể mua xe với giá rất rẻ, thậm chí bằng 0, dù giá bán thực tế khoảng 3.000 USD”, vị chuyên gia chia sẻ.
Cụ thể hơn, một chiếc Superstrata tiêu chuẩn có giá 2.800 USD nhưng sau khi backer đóng góp một khoản trị giá 999 USD trên nền tảng Indiegogo, họ sẽ được nhận chiếc xe đạp này với số tiền tiết kiệm lên đến 1.800 USD. Người góp vốn lúc này chỉ phải chịu thêm khoản phí vận chuyển đến địa chỉ cá nhân mà không phải thanh toán thêm chi phí nào cho Indiegogo hay website của Superstrata. Nếu không có “tài trợ” trên Indiegogo, người mua phải trả đầy đủ tiền xe với giá niêm yết.
“Trên Indiegogo, tiền thành viên bỏ ra được xác định là tài trợ vốn, có thể lấy lại hoặc không, đó là thông tin đã được nền tảng cảnh báo trước khi bấm xác thực chuyển tiền. Arevo sau khi được góp vốn đã dẫn người dùng có nhu cầu nhận sản phẩm sang website để lên đơn, thanh toán ở một địa chỉ khác, sử dụng hóa đơn xác thực khác Indiegogo và dùng các từ như “order” (đặt hàng), “shopping” (mua sắm) khi đề cập tới giao dịch đôi bên, chính điều này làm cho cộng đồng hiểu đây đang là hoạt động của bên mua – bên bán”, chuyên gia phân tích dựa theo các quy định của Indiegogo.
Về vấn đề đóng thuế mà một số người dùng phản ánh liên quan đến việc phải trả thêm khi mua sản phẩm xe Superstrata, chia sẻ với Thanh Niên, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết, hình thức gọi vốn cộng đồng là một khoản tài trợ (pledge), nên số tiền này không bao gồm VAT, thuế nhập khẩu hay các chi phí vận chuyển, và những nhà tài trợ ở những nước khác nhau sẽ trả thuế hay phí vận chuyển khác nhau. Trong trường hợp tại Việt Nam, Arevo hoạt động trong Khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM), tất cả các sản phẩm của Arevo là để xuất khẩu. Nếu khách hàng muốn nhận xe tại Việt Nam, Arevo phải làm công đoạn “xuất khẩu tại chỗ”, trong đó theo quy định của Nhà nước là phải đóng thuế.
Trước đó, xác nhận với Thanh Niên, bà Lê Diệp Kiều Trang cho biết nhà máy lắp đặt 70 máy in 3D với hệ thống robot tự động hóa tại Khu chế xuất Linh Trung ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), không phải nằm ở Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP).
Hình ảnh được cho là bên trong nhà máy in 3D mẫu xe đạp
Arevo
Hiện tại, đối với cộng đồng backer trên Indiegogo, trong các bình luận đa phần ít đề cập tới chất lượng xe Superstrata kém, không như mong đợi, mà chủ yếu bày tỏ sự không hài lòng với cách công ty bỏ qua hoặc không phản hồi thắc mắc của họ. Nhiều người cho biết đã không thể liên lạc với đại diện doanh nghiệp qua email hay các phương thức liên lạc khác. Bên cạnh đó, phía Arevo cũng không có cập nhật thêm thông tin về dự án trong thời gian dài, còn thời gian giao hàng liên tục bị dời lại vô thời hạn.
Ông N.K.H.T, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông nhận xét: “Cá nhân tôi không cho đây là một vụ “lừa đảo” như nhiều bình luận trên mạng xã hội, đây đúng hơn là thất bại về một ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, cái sai lớn nhất ở đây là sự im lặng quá lâu của chủ dự án cũng như một số hành động mang tính bộc phát cá nhân chưa phù hợp với sự bức xúc của cộng đồng. Nếu chủ dự án chủ động chia sẻ thông tin nhiều hơn, rõ ràng và chuyên nghiệp hơn từ sớm, tôi nghĩ sẽ không nặng nề như hôm nay”.
“Tiềm ẩn nhiều rủi ro do Việt Nam chưa có khung pháp lý riêng biệt cho hoạt động góp vốn cộng đồng”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đã có những chia sẻ với Thanh Niên về dự án gọi vốn của công ty Arevo và chiếc xe đạp Superstrata của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang.
* Trong trường hợp người Việt tham gia dự án góp vốn ở nền tảng đa quốc gia, họ có thể yêu cầu hoàn tiền hay được bảo vệ quyền lợi thế nào, cụ thể là trường hợp góp vốn tại Superstrata?
– Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Khi nói về hình thức góp vốn cộng đồng, hiện nay có thể kể đến bốn hình thức chủ yếu là:
- Gọi vốn theo hình thức cổ phần (equity-based crowdfunding)
- Gọi vốn theo hình thức vay vốn (lending-based crowdfunding)
- Gọi vốn theo hình thức quyên góp từ thiện (donation-based crowdfunding)
- Gọi vốn theo hình thức trả phần thưởng, quà tặng (reward-based crowdfunding), chủ dự án sẽ dành cho người góp vốn những lợi ích (thể hiện bằng gói quà tặng) được quy định sẵn phù hợp với số tiền mà người góp vốn bỏ ra để đầu tư vào dự án mà không phụ thuộc vào lợi nhuận dự án thu được.
Có thể nhận thấy trường hợp góp vốn tại dự án Superstrata thuộc loại hình “Gọi vốn theo hình thức trả phần thưởng, quà tặng” và hiện tại Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý riêng biệt cho hoạt động góp vốn cộng đồng. Vì vậy, trường hợp người Việt tham gia dự án góp vốn ở nền tảng đa quốc gia tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đến từ việc không có cơ sở pháp lý cụ thể để áp dụng khi tranh chấp phát sinh, ràng buộc về quyền nghĩa vụ các bên, pháp luật áp dụng, hoặc sự can thiệp quản lý nhà nước…
Theo tìm hiểu thì Công ty Arevo (công ty phát triển dự án Superstrata) có trụ sở tại Việt Nam, địa chỉ cụ thể là Tầng 3 trong nhà xưởng cao tầng, Lô 100, Khu chế xuất Sài Gòn – Linh Trung, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Vì vậy, khi các nhà đầu tư gặp phải các trường hợp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân thì có quyền căn cứ vào các nội dung mà các bên đã thỏa thuận, cam kết (thể hiện bằng lời giới thiệu, hình ảnh, cam kết mà chủ dự án công bố trên website gọi vốn cộng đồng), đồng thời áp dụng theo quy định pháp luật dân sự để có thể thực hiện việc yêu cầu hoàn tiền hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có).
Trên trang Indiegogo dự án mẫu xe đạp Superstrata đã ghi nhận thu được hơn 7 triệu USD từ cộng đồng người dùng đóng góp. Hiện nay, dự án này đang trong tình trạng “đóng cửa”
Chụp màn hình
* Indiegogo có cảnh báo người dùng tài trợ tiền không đảm bảo nhận lại vật phẩm. Nhưng với Superstrata, người tài trợ được dẫn sang website của Superstrata để đặt hàng, có xác nhận hóa đơn giao dịch. Đây có được xem là giao dịch mua bán hay không? Và nếu là mua bán, người mua có thể yêu cầu quyền lợi gì?
– Hiện nay cả hai website Indiegogo và Superstrata đều đã “đóng băng” các mục liên quan đến mẫu xe đạp trên, trang Indiegogo đã đóng nhận tài trợ và trang Superstrata cũng khóa mục đặt mua xe đạp. Tuy nhiên, dựa trên những thông tin còn đang thể hiện trên các trang web Indiegogo thì có thể thấy bên sản xuất xe đạp đang áp dụng hình thức thu hút tài trợ theo các phân khúc của xe, tức trang web sẽ đưa ra nhiều lựa chọn về các phân khúc xe và để giá tiền dưới các lựa chọn đó, ai hứng thú với phân khúc nào thì có thể tài trợ số tiền của lựa chọn đó cho công ty sản xuất, sau đó sẽ được tặng mẫu xe được đề cập đến trong lựa chọn trên. Hình thức kêu gọi tài trợ như trên vốn đã được nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện trên thực tế, thế nhưng hình thức này vốn là tỷ lệ thuận số lượng, chất lượng quà tặng với mức tiền được tài trợ, cụ thể là những ai tài trợ 100 USD sẽ được tặng lại 1 chiếc áo sơ mi có in ảnh, thông tin liên quan của dự án; những ai tài trợ 1.000 USD sẽ được tặng thêm balo, túi xách… và với các mức tài trợ lớn hơn thì quà tặng cũng sẽ nhân đôi, nhân ba.
Mặt khác, tại mục kêu gọi tài trợ cho xe đạp Superstrata, phía công ty đưa ra các mẫu mã xe với số tiền đặt bên dưới mẫu mã này với quy ước rằng: Lựa chọn mẫu xe mình muốn rồi “tài trợ” số tiền đã được định sẵn thì sẽ được nhận lại mẫu xe mà mình lựa chọn. Loại giao dịch này xét về bản chất thì có thể xem là giao dịch mua bán giữa hai bên, bên mua thực hiện nghĩa vụ thanh toán sau đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng như yêu cầu của bên mua. Theo Điều 275 bộ luật Dân sự 2015, ngoài hình thức hợp đồng, nghĩa vụ của các bên còn có thể phát sinh dựa trên các hình thức khác do pháp luật quy định. Trong vụ việc này, khi người tài trợ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì bên nhận tài trợ sẽ phát sinh nghĩa vụ giao hàng và phải đảm bảo chất lượng của hàng đúng với mẫu mã đã đưa ra cho bên tài trợ lựa chọn. Quy định về chất lượng của tài sản trong giao dịch có thể áp dụng tương tự quy định tại Điều 445 bộ luật Dân sự 2015, chất lượng của tài sản phải đảm bảo theo đúng thỏa thuận của các bên, nếu phát hiện được các khuyết tật của hàng hóa khi nhận hàng thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi lại vật khác, giảm giá, bồi thường thiệt hại hoặc theo thỏa thuận khác.
Bên cạnh đó, nếu xem xét vụ việc ở một khía cạnh khác thì có thể quy giao dịch của các bên như là giao dịch tặng cho tài sản có điều kiện. Theo quy định tại Điều 462 bộ luật Dân sự 2015, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo hướng tặng cho tài sản có điều kiện thì quyền của những người tài trợ cho Superstrata sẽ bị hạn chế hơn là giao dịch mua bán. Trong vụ việc này, có thể xem bên tặng cho đã vi phạm về thời hạn giao xe đã được thỏa thuận với những người tài trợ, nên căn cứ Điều 462 bộ luật Dân sự 2015, những người chưa nhận được xe có quyền yêu cầu bên phía công ty phải trả lại khoản tiền mà mình đã thanh toán.
THÀNH LUÂN – ANH QUÂN
Nguồn: Báo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/chien-dich-goi-von-xe-dap-superstrata-nhap-nhang-tai-tro-hay-mua-ban-185230705121401987.htm