TPHCM – Trước thực trạng hàng chục nghìn phương tiện vi phạm giao thông tại TP Hồ Chí Minh quá thời gian tạm giữ nhưng chưa được xử lý, ý kiến luật sư cho rằng cần có quy định bổ sung hướng dẫn nhanh chóng xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ.
Thủ tục xử lý nhiêu khê và kéo dài
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, hiện có hơn 31.000 xe vi phạm bị tạm giữ tại các kho bãi chuyên dụng đã hết thời hạn tạm giữ, nhưng người vi phạm không nộp phạt để nhận lại phương tiện. Trong số này chủ yếu là xe máy với 29.786 phương tiện.
Đối với phương tiện vi phạm đã quá thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được chủ sở hữu hợp pháp, các đơn vị thuộc Công an TP Hồ Chí Minh sẽ thông báo 2 lần trên báo, cổng thông tin điện tử Công an thành phố.
Hết thời hạn một năm kể từ ngày thông báo thứ hai trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm hoặc chủ sở hữu hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các thủ tục tịch thu, tiêu hủy, bán đấu giá phương tiện vi phạm mất nhiều thời gian thực hiện do nhiều công đoạn và thủ tục theo quy định pháp luật.
Về giải pháp, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TP Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát công tác bảo quản, xử lý phương tiện. Từ đó, đề xuất thành lập các tổ chuyên xử lý tang vật, phương tiện nhằm giải quyết số lượng còn tồn đọng. Hiện Công an TP Hồ Chí Minh đang tham gia, phối hợp với đoàn khảo sát của Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh để đánh giá thực trạng, từ đó có biện pháp khắc phục tình trạng tồn đọng phương tiện.
Trong khi đó, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08, Công an TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, các kho bãi tạm giữ phương tiện vi phạm do phòng quản lý hiện trong tình trạng quá tải, do tốc độ xử lý phương tiện không đồng mức với diện tích kho bãi tạm giữ tăng thêm. Trong các đợt cao điểm xử lý vi phạm giao thông, mỗi ngày lực lượng CSGT Thành phố tạm giữ gần 500 phương tiện vi phạm, đã gây áp lực lớn cho các kho bãi tạm giữ phương tiện vi phạm.
Theo lãnh đạo Phòng PC08, bên cạnh việc xử lý các phương tiện quá hạn theo quy trình, thì cũng có kế hoạch xây dựng thêm kho bãi tạm giữ nhằm giảm áp lực tại các kho hiện nay.
Cần bổ sung hướng dẫn xử lý phương tiện
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là 1 năm nên khi tạm giữ phương tiện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, bỏ phương tiện thì phải chờ hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, khi đó người có thẩm quyền mới thực hiện thủ tục xử lý phương tiện dẫn đến số lượng và thời gian tạm giữ phương tiện kéo dài.
Điều này dẫn đến tình trạng các phương tiện tồn đọng lâu ngày, gây mục nát, hư hỏng, lãng phí tài sản xã hội mà chưa được xử lý, tình trạng chủ phương tiện, tang vật không đến nhận lại phương tiện, tang vật còn xảy ra nhiều.
“Tôi cho rằng, cần có quy định bổ sung hướng dẫn xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ. Trong quy định cần nêu rõ khoảng thời gian phù hợp để cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng số tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời giạn tạm giữ. Như vậy, sẽ tránh trường hợp tồn đọng quá nhiều tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lưu kho, đặc biệt là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là phương tiện giao thông vận tải” – Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Nếu quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện vi phạm hành chính.
“Đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định thì cần nhanh chóng trả lại cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện không đến nhận lại, thì cần có quy định để rút gọn các thủ tục để bán đấu giá, thanh lý tài sản, tránh trường hợp tang vật, phương tiện bị tồn đọng lâu ngày, phát sinh các chi phí” – Luật sư Nguyễn Văn Hậu để xuất ý kiến.