Dù Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã có hiệu lực hơn một tháng, trên các diễn đàn trực tuyến (online), mạng xã hội… hoạt động buôn bán hàng xách tay vẫn diễn ra sôi động và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Lô hàng iPhone, iPad bị cơ quan QLTT TPHCM tạm giữ hồi đầu tháng 11 này vì không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Ảnh: CT |
Trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), hàng giả đang có chiều hướng gia tăng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP (NĐ 98), có hiệu lực ngày 15-10-2020, để các cơ quan chức năng có thêm công cụ quản lý, xử phạt vi phạm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam cho biết, NĐ 98 quy định hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo được xếp vào diện hàng lậu. Quy định này đồng nghĩa với việc bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan sẽ bị xác định là hàng hóa nhập lậu.
Buôn bán hàng xách tay vẫn tấp nập
Nhưng theo ghi nhận của TBKTSG Online, sau hơn một tháng NĐ 98 có hiệu lực, tình trạng buôn bán hàng xách tay, hàng nhập lậu vẫn còn tràn lan.
Đơn cử, hàng xách tay cũng được rao bán tràn ngập trên Facebook, nhiều nhất là mỹ phẩm, sữa, túi xách, quần áo. Trong cuộc trò chuyện trực tuyến (chat) giữa người viết và một người rao bán sữa Meiji trên mạng thì người bán cho biết, hàng có sẵn tại TPHCM với đủ chủng loại như dạng sữa hộp, sữa thanh. Chỉ cần để lại địa chỉ, số điện thoại và số lượng, loại cần mua là sẽ có người giao hàng ngay tận nơi.
Người bán này cam kết, đây là hàng xách tay từ Nhật Bản về, chất lượng bảo đảm và giá rẻ hơn gần 1/3 so với hàng bán chính hãng. Ngoài sữa Meiji của Nhật Bản, người này còn cung cấp sữa xách tay nguồn gốc từ Đức, Úc, Mỹ.
Kết quả tìm kiếm trên Google, Facebook cho thấy có hàng ngàn người rao bán hàng xách tay từ quần áo, mỹ phẩm, kem đánh răng cho đến sữa, bánh hay các loại hàng cồng kềnh hơn như bếp từ, lò vi sóng. Hàng trăm hội nhóm chuyên bán hàng xách tay trên Facebook đang hoạt động nhộn nhịp, thu hút rất nhiều người vào mua bán.
Tại một cửa hàng bán đồ gia dụng, điện tử ở quận 10, TPHCM, hàng xách tay vẫn được bày bán bình thường. Nhân viên cửa hàng cho biết họ có đầy đủ các sản phẩm như quạt, máy hút bụi, camera, loa, sạc dự phòng… xách tay về từ Trung Quốc. Đây là hàng phiên bản nội địa nên bao bì và hướng dẫn sử dụng in hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc.
Hàng nhái, hàng giả đội lốt hàng xách tay
Ông Lâm Phong, một người kinh doanh hàng điện tử, gia dụng tại quận 5, TPHCM cho biết, nguồn hàng xách tay đúng nghĩa và số lượng không nhiều là từ những người đi du lịch, công tác, du học mua ở nước ngoài xách tay về. Một nguồn hàng xách tay khác là từ phi hành đoàn các chuyến bay quốc tế hay thủy thủ tàu viễn dương đưa về.
Nguồn hàng có số lượng lớn nhất hiện nay chủ yếu là hàng nhập lậu, buôn lậu từ các cửa khẩu, biên giới, hoặc lợi dụng chính sách thông thoáng về tạm nhập tái xuất để tuồn hàng về Việt Nam trái phép. Nguồn hàng lớn nhất vẫn là hàng đưa từ Trung Quốc, Campuchia về qua các cửa khẩu biên giới có giá rẻ nên được giới buôn hàng xách tay kinh doanh mạnh.
Khi mua hàng xách tay, người tiêu dùng có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái là rất cao vì chúng thường rất ít khi có giấy tờ kèm theo. Thậm chí hiện nay, khá nhiều người bán nhập các món hàng giả từ Trung Quốc và lên mạng rao bán là hàng xách tay với mức giá thấp để đánh lừa người tiêu dùng. Mua phải hàng kém chất lượng, người mua cũng không biết phải kiện cáo ai và các cơ quan pháp luật hay các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất khó can thiệp.
Người tiêu dùng cũng không được đảm bảo về việc bảo hành cũng như các chế độ hậu mãi khác. Đặc biệt với các món hàng như đồ điện tử giá trị lớn thì chi phí sửa chữa thay thế là rất cao nếu chẳng may chúng bị hư hỏng trong quá trình sử dụng.
Người bán tìm cách lách luật
Sau khi NĐ 98 có hiệu lực, giới chuyên buôn bán hàng xách tay đã tìm nhiều cách để lách luật, né bị kiểm tra. Nhiều người đã chuyển sang chỉ bán hàng online, giao hàng cho khách qua xe ôm, các dịch vụ vận chuyển.
Nhiều người đã xóa thông tin trên Facebook, website địa chỉ nơi bán và không nhận khách đến xem hàng trực tiếp để đề phòng cơ quan chức năng giả làm người mua hàng. Nhiều người bán lập ra các Group kín trên Facebook để chỉ trao đổi, mua bán riêng với nhau để hạn chế người ngoài theo dõi.
Chúng tôi đã vào website của một cửa hàng có địa chỉ trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM tìm mua iPhone xách tay. Hiện tại thì thông tin về hàng xách tay trên website này đã bị gỡ bỏ, nhưng khi đến trực tiếp cửa hàng này thì các loại iPhone 11 phiên bản của thị trường Mỹ, Hồng Kông, Singapore thì vẫn có hàng.
Nhân viên cửa hàng cho biết họ vẫn bán điện thoại Samsung phiên bản dành cho thị trường Mỹ, Hàn Quốc và điện thoại Xiaomi phiên bản nội địa Trung Quốc.
Trong hai tháng 10 và 11 vừa qua, ngành Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã tạm giữ lô hàng gồm 50 chiếc điện thoại iPhone, 9 chiếc iPad và 5 đồng hồ đeo tay thông minh. Đây là hàng ngoại nhập, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của một người ở tại chung cư Ngô Gia Tự, quận 10.
Cục QLTT TPHCM đã chỉ đạo các Đội QLTT địa bàn tiến hành điều tra, xác định nơi cất giấu để xử lý các đầu nậu, các điểm chứa trữ, kinh doanh hàng xách tay trái phép và áp dụng biện pháp nghiệp vụ để xử lý các đối tượng nhập lậu từ nước ngoài về.