PNO – Chiều 20/12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội 5 dự án đầu tư ở TPHCM theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao (BOT) theo Nghị quyết số 98.
Năm dự án gồm: Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, đoạn cầu Bình Triệu đến Vành đai 3; Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành; Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 22, đoạn từ nút giao An Sương đến Vành đai 3; Nâng cấp đường trục Bắc – Nam, từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành và Xây dựng cầu đường Bình Tiên, từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh.
Các đơn vị tư vấn đã đề xuất thi công trên cao đối với 3 dự án gồm nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, dự án nâng cấp đường trục Bắc – Nam và dự án xây dựng Cầu đường Bình Tiên.
Theo phản ánh của người dân, việc bố trí cầu vượt sẽ có nhược điểm dễ nhận thấy nhất đó là tuy có tác dụng chống ùn tắc nhưng hiệu quả mang lại vẫn không được triệt để, nói cách khác, những cầu vượt chỉ giúp thông thoáng cho những tuyến đường có lối lên – xuống cầu, trong khi đó, hướng còn lại vẫn xảy ra ùn tắc. Không những thế, phương án xây đường trên cao có chi phí phát sinh rất cao và kéo theo nhiều vấn đề kỹ thuật, bảo trì sau khi đưa vào hoạt động.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu tại hội nghị phản biện – Ảnh: A.H. |
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM – cho hay, về mặt lợi, chi phí giải phóng mặt bằng đối với các dự án thi công trên cao có thể giảm so với các dự án thi công dưới thấp.
Trường hợp có người dân nhất quyết không đồng tình với phương án thu hồi và bồi thường đất sau khi đã được thuyết phục nhiều lần thì phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế, có thể kéo dài thêm thời gian thực hiện trên thực tế. Đồng thời, cần đưa các yếu tố liên quan đến quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng vào công đoạn nghiên cứu phương án thi công dự án.
Tiến sĩ Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 – cho hay, các dự án đầu tư công nói chung luôn gặp vướng mắc lớn nhất là đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo ông, sắp tới, cần thực hiện theo hướng chỉ tiến hành giải tỏa ở quy mô tối thiểu cần thiết nhất nhằm làm giảm chi phí và thời gian đền bù.
“Ai muốn sử dụng đường trên cao thì trả tiền, còn đường bên dưới hiện hữu người dân cứ đi như bình thường. Chỉ áp dụng đơn giản hai cơ chế như vậy thôi, không cần miễn giảm cho đối tượng A, B, C gì cả”, ông nói.
Luật sư Trương Thị Hòa – Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM – đề nghị quan tâm bổ sung vào mỗi dự án trên nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị quyết số 98/2023/QH15: “Đối với dự án đầu tư áp dụng loại hợp đồng BOT, BT đã được ký kết hợp đồng theo cơ chế, chính sách quy định tại điểm c và điểm d khoản 5 Điều 4 của Nghị quyết này thì được tiếp tục thực hiện sau ngày Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành cho đến khi kết thúc hợp đồng”.
Quốc Ngọc
Nguồn: Báo Phụ Nữ
https://www.phunuonline.com.vn/tphcm-chuan-bi-thuc-hien-5-du-an-khung-theo-phuong-thuc-bt-bot-a1537355.html