Phạt nguội xe máy có khả thi?

Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất phạt nguội đối với người điều khiển xe máy vi phạm giao thông nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn do lượng xe máy quá nhiều và cần phải có số lượng lớn hệ thống camera khắp nơi trên toàn quốc

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) quý I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II/2024 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, đã đề nghị cần tăng cường xử phạt nguội đối với người điều khiển xe máy vi phạm giao thông.

Tai nạn sẽ “giảm sâu”?

Số liệu thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, cho thấy đến hết năm 2023, tổng số xe máy ở Việt Nam là hơn 73 triệu chiếc. Còn theo Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2023, toàn quốc xảy ra 21.880 vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong đó phương tiện gây ra nhiều vụ TNGT nhất là xe máy, chiếm hơn 60%. Riêng quý I/2024, trong số gần 6.500 vụ TNGT xảy ra, thì xe máy gây tai nạn đến gần 57%. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc phạt nguội xe máy là cần thiết, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông và kéo giảm TNGT.

Trên thực tế, thời gian qua, lực lượng CSGT ở nhiều địa phương đã triển khai phạt nguội xe máy, trong đó có tỉnh Bắc Giang. Gần đây, cuối tháng 3, qua trích xuất camera giám sát, Công an huyện Hiệp Hòa của tỉnh này đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp điều khiển xe máy vi phạm luật giao thông. Trong đó có trường hợp bà N.T.T. (41 tuổi; ngụ thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa), chỉ trong tháng 2 vi phạm tới 26 lần, trong đó có 16 lần vượt đèn đỏ và 10 lần không đội mũ bảo hiểm. Với các lỗi vi phạm này, bà T. bị xử phạt 15,4 triệu đồng.

Còn tại TP Hà Nội, lực lượng CSGT cũng tiến hành xử phạt nguội với người điều khiển xe máy. Việc xử lý phạt nguội không chỉ được ghi nhận thông qua hệ thống camera giám sát mà còn từ thông tin, hình ảnh của người dân gửi cho cảnh sát giao thông thông qua Zalo.

Tại TP HCM, trên nhiều tuyến đường đều đã trang bị hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT. Đối với Quốc lộ 1 qua địa phận thành phố, vào tháng 4-2022, Phòng CSGT Công an TP HCM cũng đã vận hành hệ thống camera này, với trung tâm giám sát được đặt tại trụ sở Phòng CSGT.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP HCM, sắp tới đây, khi cơ quan chức năng hoàn tất định danh điện tử, người dân thực hiện tốt việc định danh biển số xe thì việc “phạt nguội” sẽ thuận lợi hơn.

Qua thực tiễn áp dụng tại một số địa phương, TS Khương Kim Tạo – nguyên phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia – đồng tình với hình thức xử lý vi phạm này. Tuy nhiên, để nâng cao hơn hiệu quả xử phạt nguội, ông Tạo cho rằng cần thực hiện nghiêm việc sang tên đổi chủ xe. Cơ quan công an cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe máy, tạo thuận lợi trong việc tra cứu thông tin chủ phương tiện để gửi thông báo vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông dọc các tuyến giao thông chính, các khu vực nóng về vi phạm giao thông, kịp thời phát hiện vi phạm, nâng cao hiệu quả xử phạt.

Lực lượng CSGT ở Hà Nội theo dõi hệ thống camera giám để xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Ảnh: Nguyễn Hưởng

Lực lượng CSGT ở Hà Nội theo dõi hệ thống camera giám để xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT

Ảnh: Nguyễn Hưởng

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Trao đổi với báo chí, PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, cho rằng việc xử phạt nguội đối với xe cá nhân, đặc biệt là xe máy, là cần thiết.

Tuy nhiên, để triển khai ngay trên diện rộng thì khá thách thức bởi lượng mô tô, xe máy đang lưu hành là quá lớn, trên 70 triệu chiếc. Đó là chưa nói để phạt nguội thì cần có số lượng lớn hệ thống camera khắp nơi trên toàn quốc. Thêm vào đó do xe máy không có biển số gắn phía trước xe nên rất khó để xác định.

“Một vấn đề thách thức nữa là xe máy ở nước ta được bán “sang tay” nhiều, thậm chí có xe qua mấy chủ. Do đó, xảy ra hiện tượng xe lưu thông ở tỉnh A nhưng chủ thực sự ở tỉnh B. Vậy camera làm cách nào để xác định được chính xác người điều khiển phương tiện vi phạm?” – ông Tuấn đặt vấn đề.

Do đó, theo chuyên gia này, việc triển khai phạt nguội cần có lộ trình. Đầu tiên là phải thực hiện nghiêm việc đăng ký biển số xe chính chủ trên phạm vi toàn quốc. Tiếp đến cần quy định xe máy phải lắp biển cả trước và sau giống như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Cuối cùng là cần có hệ thống camera AI để hỗ trợ phát hiện những phương tiện vi phạm.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, thượng tá Phạm Việt Công, Phó Cục trưởng Cục CSGT – Bộ Công an, cho biết qua thống kê về TNGT thì thấy số người đi xe máy chiếm số lượng lớn. Bên cạnh đó, tình trạng người điều khiển xe máy vi phạm luật giao thông cũng diễn ra phổ biến. “Nhiều đơn vị, địa phương đang xử lý vi phạm giao thông về cả chuyên đề, trực tiếp và phạt nguội. Chúng ta cần tăng cường xử lý trong thời gian tới để nâng cao ý thức của người điều khiển mô tô, xe máy” – thượng tá Công nói.

Theo thượng tá Công, nhiều đơn vị, địa phương đang đã đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông, phương tiện kỹ thuật, đặc biệt ở trong đô thị. Hành lang pháp lý cũng đã hoàn thiện tương đối đầy đủ.

Vì thế, nếu được trang bị các hệ thống công nghệ, đặc biệt là giám sát đồng bộ, chúng ta có thể tổ chức hiệu quả hơn việc xử lý phạt nguội đối với người điểu khiển xe máy.

Phó Cục trưởng Cục CSGT Phạm Việt Công cũng thông tin: Hiện nay có khoảng 80% xe máy tại Việt Nam đã được định danh. Sắp tới Bộ Công an sẽ chỉ đạo để hoàn thiện toàn bộ các dữ liệu về xe máy cho chính xác. Việc làm sạch dữ liệu mô tô, xe máy, cộng với việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì việc xác minh phương tiện chủ phương tiện sẽ rất thuận lợi. Ngoài ra, quy trình của ngành công an hiện nay đổi mới rất nhiều.

“Phạt nguội người điều khiển xe máy vi phạm giao thông phù hợp với xu thế, đồng thời góp phần để nâng cao ý thức người điều khiển xe máy để giảm TNGT” – Phó Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh. 

Có khó khăn nhưng sẽ làm được

Trao đổi thêm về băn khoăn của dư luận về tính khả thi của đề xuất phạt nguội mô tô, xe máy, nhất là đối với trường hợp mượn xe hoặc mua, bán chưa sang tên đổi chủ, Phó Cục trưởng Cục CSGT Phạm Việt Công cho rằng trên thực tế cũng sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc. “Việc này khó tránh khó khăn song không thể không thực hiện, vì hiện nay vấn đề về dữ liệu thông tin rất thuận tiện. Do đó, việc xử lý phạt nguội xe máy hoàn toàn có thể thực hiện được” – thượng tá Công nói.

Thượng tá LÊ MẠNH HÀ, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP HCM:

Phạt nguội “hiệu quả nhất” (!)

Thời gian qua, Phòng CSGT đã đề xuất và tham mưu Công an TP HCM ban hành nhiều kế hoạch và giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo đảm trật tự và an toàn giao thông. Trong đó, phạt nguội trong xử lý vi phạm giao thông được đánh giá là biện pháp mang lại hiệu quả nhất.

Tôi cho rằng việc phạt nguội giúp thay đổi, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân và đồng thời giảm bớt gánh nặng cho lực lượng CSGT trong việc tuần tra và kiểm soát nhưng vẫn bảo đảm được trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Ông NGUYỄN VĂN THANH, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô VIỆT NAM:

Nên sớm thực hiện

Tôi ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng và đề nghị nên sớm thực hiện trên diện rộng bởi điều này sẽ tăng răn đe với các chế tài mạnh, giúp cải thiện, nâng cao ý thức của người điều khiển xe máy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Tuy nhiên, với số lượng xe máy lớn như hiện nay, việc phạt nguội cần có kế hoạch, lộ trình thực hiện rất rõ ràng, cụ thể, trong đó cần rà soát hạ tầng kỹ thuật, thiết bị camera giám sát hiện nay ra sao, đã đáp ứng yêu cầu hay chưa… Trên cơ sở đó mới có giải pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM:

Cần có thêm giải pháp

Việc phạt nguội đối với người điều khiển xe máy vi phạm trật tự ATGT sẽ giúp nâng cao ý thức chấp hành luật an toàn giao thông đường bộ, giảm thiểu các hành vi lái xe phóng nhanh, vượt ẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì cần xem xét, cân nhắc thêm những yếu tố khác có ảnh hưởng trực tiếp đến việc áp dụng quy định trên thực tế liệu có khả thi hay không. Cụ thể ở nước ta, xe máy là phương thức đi lại chủ yếu của người dân, chiếm tới 80%-90% lưu lượng giao thông trên đường. Nếu áp dụng biện pháp này thì có khả năng khối lượng công việc của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị quá tải, không có đủ nhân lực xử lý. Mặt khác, hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật xử lý dữ liệu của cơ quan chuyên môn chưa được bảo đảm đồng bộ hóa, nâng cấp để phù hợp với công tác quản lý…

Do vậy, cần nghiên cứu thêm giải pháp để có hướng giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, phù hợp với nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định hiện hành.

VĂN DUẨN – NGUYỄN HƯỞNG – Ý LINH

Nguồn: Báo Người Lao Động

https://nld.com.vn/phat-nguoi-xe-may-co-kha-thi-196240427201418293.htm