Đồng hành cùng hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị đã nỗ lực thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, phản biện đối với nhiều chương trình, hoạt động của các đơn vị, sở, ngành, qua đó nâng cao hiệu quả công vụ, phục vụ tốt hơn cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố.
Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc thành phố thực hiện hoạt động giám sát đối với các dự án hạ tầng trên địa bàn. |
Giám sát phản biện vấn đề nóng
Qua 10 năm triển khai Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị xã hội thành phố đã giám sát đối với 1.843 văn bản của các cơ quan có thẩm quyền, qua đó đã kiến nghị 537 nội dung có liên quan đến các văn bản đã giám sát, thành lập đoàn để thực hiện giám sát 11.382 cuộc.
Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề nhân dân quan tâm hoặc bức xúc như công tác quản lý và cấp phép xây dựng trên địa bàn; lập lại trật tự lòng đường, lề đường, mỹ quan đô thị; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…
Qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển của từng địa phương và thành phố.
Cùng với đó, Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn cũng đã tổ chức được 6.375 cuộc giám sát, từ đó đã kiến nghị, phản ánh 1.273 nội dung đến các đơn vị chức năng, Ủy ban nhân dân địa phương; trong đó, có 1.164 kiến nghị đã được cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức được 7.495 cuộc giám sát các công trình trên toàn địa bàn thành phố, qua đó đã kiến nghị, phản ánh bằng văn bản đối với 629 công trình đến các cơ quan, đơn vị chức năng và đã có 578/629 kiến nghị đã được xem xét giải quyết.
Cũng trong giai đoạn này, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp của thành phố đã chủ trì tổ chức 703 hội nghị phản biện xã hội, tổ chức phản biện xã hội. Các hình thức được thực hiện nhiều nhất là gửi văn bản đến các đơn vị để có thông tin phản hồi; chủ động, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; rõ nét nhất là việc trực tiếp tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm kỳ 2020-2025 và văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, lần thứ XIII của Đảng.
Nhằm đổi mới nội dung và phương thức giám sát, từ năm 2018 đến nay, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc thành phố chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố triển khai giám sát kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp thành phố thông qua đơn vị khảo sát độc lập.
Đến nay, công tác đánh giá về sự hài lòng của người dân và tổ chức đã mở rộng đến 20 sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với tổng số mẫu khảo sát là 79.220 mẫu. Qua kết quả khảo sát, Mặt trận thành phố đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp phù hợp, thiết thực nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ đối với người dân và tổ chức trên địa bàn thành phố, được sự đồng tình ủng hộ của các sở, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các cấp.
Chú trọng hơn nữa chất lượng giám sát phản biện
Góp ý nhằm nâng cao hơn nữa công tác giám sát, phản biện của Mặt trận các cấp, Luật sư Trương Thị Hòa, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ-Pháp luật nhấn mạnh, năng lực của thành viên đoàn giám sát là rất quan trọng. Năng lực càng cao, bản lĩnh càng vững thì hiệu quả của công tác càng được thể hiện rõ. Vì thế, việc nâng cao năng lực là điều cần được thực hiện thường xuyên để Mặt trận các cấp thể hiện tốt vai trò của mình trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Quan tâm đến vấn đề phản hồi sau giám sát, phản biện, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố, thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ-Pháp luật Ủy ban Mặt trận thành phố đánh giá, thực tế hoạt động của công tác giám sát, phản biện vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, trong đó có công tác hậu kiểm. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống, vai trò của Mặt trận cũng cần được thể hiện hiệu quả hơn nữa, nhất là vấn đề giải quyết và phản hồi các vấn đề sau giám sát. Mặt trận cần tập trung đẩy mạnh hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú như giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; trách nhiệm nêu gương và việc giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị, cần tăng cường giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để góp phần tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thất thoát nguồn lực trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, công trình công trên địa bàn…
Bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Tân Bình cho rằng, để công tác giám sát, phản biện xã hội chất lượng, hiệu quả cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, sự hỗ trợ, tạo điều kiện, cầu thị, lắng nghe của chính quyền các cấp và nhất là trình độ, năng lực của người làm công tác giám sát. Vai trò các thành viên đoàn giám sát cũng rất quan trọng, cần nghiên cứu kỹ các quy định liên quan vấn đề giám sát, khi nhận được báo cáo sẽ áp vào để biết được vấn đề cần góp ý khắc phục, hoàn thiện.
Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức cho rằng: Mặt trận cần xác định nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, không thực hiện dàn trải; đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát cụ thể, xuất phát từ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân; phát huy vai trò của Ban Tư vấn, Tổ tư vấn và những người am hiểu đối với các lĩnh vực nhằm tư vấn, đề xuất trong quá trình thực hiện hoạt động giám sát.