Bị người dùng chất kích thích đánh, đòi bồi thường được không?

Hàng xóm nhà tôi dùng chất kích thích rồi đánh tôi bị thương. Xin hỏi, người này có phải bồi thường cho những thương tích đã gây ra cho tôi không?

Gần nhà tôi có người dùng chất kích thích, sau đó thường xuyên hoang tưởng bản thân là nhân vật trong trò chơi điện tử. 

Trong một lần bị hoang tưởng, người này đã đánh tôi bị thương. Tôi yêu cầu bồi thường thì người nhà họ nói xem như người đánh tôi bị tâm thần nên dù tôi có kiện cũng không được gì. Vậy tôi có đòi bồi thường được không?

Bạn đọc Trần Phúc – 0343061xxx gửi câu hỏi.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về việc người dùng chất kích thích gây thương tích cho người khác như sau:

Hành vi gây thiệt hại do dùng chất kích thích phải bồi thường thiệt hại, được quy đinh cụ thể tại khoản 1 điều 596 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường”.

Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ về việc bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra, do đó đối với trường hợp của anh thì anh hoàn toàn có quyền yêu cầu người đánh anh bồi thường thiệt hại do sức khỏe của anh bị xâm phạm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Nếu người dùng chất kích thích đánh anh bị thương chưa đủ mười lăm (15) tuổi hoặc là người mất năng lực hành vi dân sự (được công nhận bằng quyết định của tòa án có thẩm quyền) thì người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không còn là người trực tiếp gây thiệt hại, mà trách nhiệm trên sẽ được chuyển giao sang cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó (điều 586 Bộ luật Dân sự 2015).

Theo quy định của pháp luật thì các khoản chi phí được yêu cầu bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm gồm:

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại.

Ngoài ra cũng xin được lưu ý thêm theo quy định pháp luật hình sự, người phạm tội dù ở trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (điều 13 Bộ luật Hình sự 2015).

Do vậy, nếu người kia vẫn tiếp tục có hành vi gây rối, cố ý gây thương tích và vin vào lý do dùng chất kích thích nên không nhận thức được thì anh có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan công an có thẩm quyền để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

THỦY TIÊN GHI

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/bi-nguoi-dung-chat-kich-thich-danh-doi-boi-thuong-duoc-khong-20240304104027777.htm