Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý cho dự luật liên quan đến bất động sản

Các văn bản pháp luật liên quan đến đến lĩnh vực bất động sản (BĐS) cần được điều chỉnh đồng bộ để tránh chồng chèo và hướng đến công bằng cho các chủ thể.

Chiều 14/2, tại TP HCM, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi).

Bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khoá XV tới dự và chủ trì Hội thảo. Hội thảo thu hút sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam một số tỉnh, thành khu vực phía Nam. Đặc biệt, hội nghị có các chuyên gia, các nhà khoa học; các Luật sư; lãnh đạo nhiều sở, ngành… tham gia góp ý kiến.

 
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị.

Đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho dân

Luật sư Trương Thị Hoà – Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị, các luật cần có sự tương thích với luật pháp quốc tế, đảm bảo quyền con người, quyền sở hữu tài sản hợp pháp. Đối với người nước ngoài, sở hữu tài sản cũng nên quy định cụ thể hơn để đảm bảo công bằng trước pháp luật giữa các chủ thể.

Cũng theo bà Hòa, quyền sở hữu bất động sản (BĐS) hiện nay cơ bản là không thời hạn, nếu quy định 50 năm là không phù hợp với thực tế trong nước cũng như không tương thích với luật pháp quốc tế. Đồng thời, bà Hoà cũng mong muốn bổ sung các quyền khác đối với BĐS, như quyền về BĐS liền kề, quyền về sử dụng không gian đối với BĐS.

Luật sư Lê Hồng Nguyên – Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS rối loạn chưa hoàn toàn nằm ở các tập đoàn, các doanh nghiệp BĐS mà chủ yếu là việc mất kiểm soát việc chuyển nhượng, trong đó có vai trò quan trọng của người bán và môi giới. Việc đẩy giá lên tạo thành “bong bóng”, hay kê khai giá trị tài sản để nộp thuế thấp hơn rất nhiều lần giá trị giao dịch thật, làm nhà nước thất thu thuế. Vì vậy, ông Nguyên đề nghị, trước hết duy trì, phát triển các sàn giao dịch BĐS, khi giao dịch chuyển nhượng, tất cả cần đưa lên sàn giao dịch BĐS để kiểm soát.

Quang cảnh Hội nghị.

Theo ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, TP HCM có gần 50% công nhân làm việc trong các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, vậy cần phải bổ sung các đối tượng này để họ được hưởng chính sách nhà ở xã hội, bởi họ cũng đóng góp chung cho sự phát triển của Thành phố và đất nước. Đối với giá nhà lưu trú công nhân, nhà ở xã hội cần đảm bảo luôn luôn bằng, hoặc thấp hơn loại hình khác.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho rằng nguyên tắc phát triển nhà ở phải phù hợp với nhu cầu của các địa phương. Tuy nhiên, theo ông Khiết nếu các dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải đầy đủ các yêu cầu thì gần như không thể triển khai được. Ông Khiết mong muốn các dự án cần đáp ứng được các tiêu chí cơ bản có thể cho xây dựng.

Một vấn đề nữa được Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM đề cập là việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, nội dung thế chấp này không được thể hiện đầy đủ trong giấy chứng nhận sở hữu tài sản. Ông Khiết kiến nghị, luật phải thể hiện được việc yêu cầu chủ đầu tư phải báo cáo các nội dung bảo đảm, báo cáo các giấy tờ liên quan đến ngân hàng để nhằm hạn chế rủi ro cho người mua BĐS.

Tại khoản 2, Điều 78, Dự thảo Luật Đất đai quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, “Dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở” và “Dự án khu dân cư nông thôn sử dụng các loại đất không phải là đất ở”.

Ông Đỗ Long – Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá, điều này có thể dẫn đến cách hiểu rằng, dự án đô thị và dự án khu dân cư nông thôn nhưng nếu trong đó có một phần hoặc toàn bộ đất ở thì Nhà nước không thu hồi đất. Quy định như vậy không phù hợp với thực tế triển khai dự án của chủ đầu tư vì trong dự án thông thường đan xen nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau, trong đó không loại trừ trường hợp trong dự án có một phần đất ở. Cơ quan chức năng không thu hồi trường hợp trong dự án đã có một phần hoặc toàn bộ đất ở thì có thể ảnh hưởng không tốt đến chính sách phát triển nhà ở, khu đô thị cũng như không đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.

Luật sư Lê Hồng Nguyên -Liên đoàn Luật sư Việt Nam góp ý kiến tại hội nghị.

Từ thực thế trên, ông Long kiến nghị, nên điều chỉnh theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với dự án đô thị, dự án khu dân cư nông thôn thuộc doanh mục dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của pháp luật đấu thầu. Ngoài ra, cần bổ sung thêm thuật ngữ “dự án nhà ở thương mại” cho đồng bộ với nội dung quy định tại khoản 3, Điều 78 dự thảo Luật.

Bổ sung để luật phù hợp thực tiễn

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS ban hành từ năm 2014 đã tạo ra hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển thị trường BĐS và nhà ở trong thời gian qua. Tuy nhiên, bà Ánh cũng cho rằng, sau hơn 8 năm đi vào cuộc sống, quá trình thực thi, các luật này đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, có nhiều quy định chồng chéo với các luật liên quan, có những quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, việc sửa đổi 2 luật này là rất cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Bộ Xây dựng, cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì soạn thảo đã cố gắng, nỗ lực để xây dựng 2 dự án luật quan trọng này và đưa hai dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS lấy ý kiến góp ý công khai, rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, địa phương và các bộ, ngành.

Các luật liên quan đến BĐS hoàn thiện sẽ góp phần làm cho thị trường trở nên lành mạnh hơn.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng cho biết, trong thời gian gần đây, một số luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế như: Bộ Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư… và trong các Luật này có nhiều nội dung quy định liên quan đến Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 như: hợp đồng, đặt cọc, bảo lãnh trong các giao dịch; điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh BĐS; phân loại dự án và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; phân loại công trình xây dựng; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS… dẫn đến sự không đồng bộ trong các quy định của Luật kinh doanh bất động sản hiện hành với các Luật này.

Thêm vào đó, các nội dung của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 có liên quan đến các quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, đặc biệt là những chính sách lớn như mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án BĐS, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. “Mặt khác, việc bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nội dung kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai để từ đó đề xuất chính sách sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết”, ông Nguyễn Văn Hậu nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cảm ơn những đóng góp quý báu của các đại biểu, đồng thời bà Ánh cho biết sẽ tập hợp các ý kiến để có kiến nghị tới các cơ quan chức năng liên quan, nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế.

QUỐC ĐỊNH

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

http://daidoanket.vn/ban-thuong-truc-uy-ban-trung-uong-mttq-viet-nam-to-chuc-hoi-nghi-gop-y-cho-du-luat-lien-quan-den-bat-dong-san-5709737.html