Đua nhau ca ngợi sản phẩm
Trên các kênh YouTube, dày đặc những đoạn phim quay cảnh người nổi tiếng quảng cáo mỹ phẩm, thuốc, sữa, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng. Có thể kể, diễn viên kiêm người dẫn chương trình C.T. liên tục quảng cáo về “sữa dành cho người bị tiểu đường, xương khớp” nhãn hiệu D. Nghệ sĩ này ra rả khẳng định về hiệu quả thần kỳ của sản phẩm, như “giúp đường huyết ổn định, hết hẳn tiểu đêm, tê bì chân tay…”.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế và dinh dưỡng nhiều lần khẳng định, sữa chỉ là 1 trong 6 nhóm thực phẩm cần bổ sung hằng ngày chứ không có công dụng chữa bệnh. Điều đáng quan ngại là trong đoạn phim quảng cáo, nghệ sĩ C.T. chỉ để lại số điện thoại liên lạc mà không nói gì về đơn vị sản xuất hay phân phối sản phẩm.
Trên mạng xã hội Facebook, TikTok, nhiều người nổi tiếng cũng liên tục quảng cáo, bán túi xách, giày dép, mỹ phẩm, nước hoa… của các thương hiệu nổi tiếng như Lancôme, Dior, Chanel với giá chỉ vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Điều đáng nói là không ít sản phẩm sau đó bị cơ quan chức năng kiểm tra, kết luận là hàng nhái, hàng giả.
Gần 30.000 trang phục, phụ kiện thể thao giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike… bán qua Facebook, Zalo… vừa bị lực lượng quản lý thị trường Hà Nội triệt phá – ẢNH: QLTT |
Giữa năm 2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt vợ của nam diễn viên L.D.B.L. hơn 51 triệu đồng, buộc tiêu hủy 1.180 chai nước hoa giả nhãn hiệu Chanel, Gucci và đình chỉ kinh doanh 2 tháng về hành vi giả mạo nhãn hiệu, bán hàng hóa không có nhãn phụ tiếng Việt.
Mới đây, hàng loạt người nổi tiếng gồm N.T., K.M.T., N.T., K.N., T.H., G.T.K., L.D.B.L… đồng loạt đăng bài trên Facebook cá nhân hoặc trang (fanpage) để quảng cáo về 1 loại tiền mã hóa. Thế nhưng, sau khi có thông tin cảnh báo rằng đó là loại tiền bất hợp pháp, những bài đăng này liền được gỡ xuống; khi phóng viên các báo liên hệ thì những người nổi tiếng này không nghe máy hoặc từ chối trả lời.
Người tiêu dùng cần tỏ thái độ
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM – cho rằng, các cơ quan phụ trách văn hóa, thông tin và truyền thông cần chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội; các cơ quan quản lý nghệ sĩ, người nổi tiếng cần có biện pháp xử lý thích đáng những cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, trái quy định pháp luật.
Theo ông, những người nổi tiếng phải hiểu rõ về sản phẩm mà mình quảng cáo để tránh tiếp tay cho hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và công chúng. Bên đề nghị quảng cáo và bên nhận quảng cáo phải ký hợp đồng rõ ràng và khi ký hợp đồng quảng cáo, bên nhận quảng cáo phải tìm hiểu kỹ về tính pháp lý, chất lượng của sản phẩm.
Khi nhận quảng cáo cho 1 sản phẩm nào đó, ít nhất phải dùng thử sản phẩm để có đánh giá của riêng mình về sản phẩm rồi mới giới thiệu đến người tiêu dùng. Nội dung quảng cáo cũng nên chừng mực, không cường điệu. Nếu phát hiện nghệ sĩ nào quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng nên tẩy chay để chấn chỉnh tình trạng kiếm lợi bất chính này.
Luật gia Phan Thị Việt Thu |
Luật sư Đỗ Hải Bình (Văn phòng Luật sư Quốc Anh, TP Thủ Đức, TPHCM) cũng nhấn mạnh trách nhiệm của người quảng cáo, đồng thời lưu ý người tiêu dùng phải biết rõ mình mua hàng của ai chứ không mua sản phẩm chỉ vì tin theo lời quảng cáo của người nổi tiếng. Khi người tiêu dùng khiếu nại do mua phải sản phẩm kém chất lượng, người quảng cáo sản phẩm đó phải chịu trách nhiệm liên đới với đơn vị bán sản phẩm. Khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng do dùng sản phẩm kém chất lượng, nếu cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự thì người quảng cáo sản phẩm cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Luật Quảng cáo hiện hành có các chế tài xử lý hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng lại chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của người nhận quảng cáo các sản phẩm đó. Do đó, cần bổ sung chế tài với đối tượng này để hạn chế tình trạng lợi dụng sự nổi tiếng của mình và sự ái mộ của công chúng để tiếp tay cho sản phẩm kém chất lượng.
“Người tiêu dùng nên tỏ rõ thái độ đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng. Họ có thể dùng quyền lực của mình kêu gọi cộng đồng tẩy chay những người nổi tiếng làm ăn chụp giật để làm lành mạnh môi trường thương mại điện tử” – luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Luật sư Đỗ Hải Bình cũng cho rằng, bên cạnh việc cơ quan nhà nước nâng cao công cụ pháp luật và xử lý nghiêm vi phạm, người tiêu dùng cũng nên tẩy chay những sản phẩm kém chất lượng lẫn người quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.
Theo luật gia Phan Thị Việt Thu – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM – có thực trạng nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo những sản phẩm kém chất lượng nhưng sau đó lại nói rằng mình bị lắp ghép hình ảnh chứ không trực tiếp quảng cáo. Do đó, cơ quan quản lý cần điều tra, xác định đối tượng vi phạm. Theo bà, mức xử phạt đối với vi phạm về quảng cáo hiện còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên cần tăng nặng mức phạt.
Nguyễn Cẩm
Nguồn: Báo Phụ Nữ Online
https://www.phunuonline.com.vn/can-tay-chay-nhung-nguoi-noi-tieng-rao-ban-hang-dom-a1479344.html