(LSVN) – Sáng nay (25/11/2022), Tọa đàm với chủ đề “Quy định thời hạn sở hữu chung cư: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn” do Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức đã được khai mạc tại Hội trường tầng 2, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (CT13B khu đô thị Nam Thăng Long, đường Võ Chí Công, TP. Hà Nội).
Tham dự Tọa đàm có ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS Trần Minh Sơn, Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng; và hơn 40 khách mời khác là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân, luật sư, giảng viên… và các cơ quan báo chí, truyền thông tham dự đưa tin.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam và ThS Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam chủ trì buổi Tọa đàm.
Khai mạc Tọa đàm với chủ đề “Quy định thời hạn sở hữu chung cư: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn”.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ThS Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam cho biết: Tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến nhân dân đã đưa ra hai phương án quy định về thời hạn sở hữu căn hộ chung cư: một là, thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của nhà chung cư; hai là, không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư như pháp luật hiện hành. Thực tế cho thấy, do luật không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, nên việc phá dỡ các tòa nhà chung cư cũ nát, xuống cấp là vô cùng khó khăn do không đạt được sự đồng thuận của cư dân. Việc tồn tại các tòa chung cư cũ nát làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, cuộc sống của cư dân mất an toàn.
ThS Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Tuy nhiên, nếu quy định thời hạn sở hữu chung cư lại vô tình hạn chế quyền sở hữu tài sản của người dân đã được pháp luật quy định.
Việc đề xuất thời hạn sở hữu chung cư của Bộ Xây dựng đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều lo ngại về những tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản cũng như các tác động đến quyền lợi của người mua căn hộ chung cư.
Ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tham dự Tọa đàm.
TS Trần Minh Sơn, Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành, Bộ Tư pháp.
Với mong muốn đóng góp một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan hữu quan tham khảo, đưa ra quyết định phù hợp nhất, bảo đảm quyền, lợi ích của các bên liên quan, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhà ở nói chung, chung cư nói riêng trong thời gian tới, ngày hôm nay, Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức Tọa đàm này với 2 nhóm chuyên đề: Chuyên đề 1: “Cơ sở pháp lý của những quy định pháp luật hiện hành về thời hạn sở hữu chung cư”; Chuyên đề 2: “Quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư và những tác động kinh tế, xã hội”.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Nên giữ nguyên quy định của Luật Nhà ở năm 2014 quy định quyền sở hữu nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất
Mở đầu buổi Tọa đàm, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày tham luận.
Theo Luật sư Hậu, việc đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư của Bộ Xây dựng đã nhận được không ít ý kiến trái chiều, có nhiều ý kiến đồng tình phương án sở hữu chung cư có thời hạn, nhiều ý kiến khác lại đồng tình với phương án không đặt ra quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Nhìn ra thế giới, một trong các quốc gia phát triển về thị trường bất động sản hiện nay có thể kể đến là Singapore. Singapore công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, nhưng lại có đến 99% đất đai thuộc quyền sở hữu của Chính phủ Singapore và chỉ có 01% đất đai thuộc quyền sở hữu của tư nhân. Do vậy, Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB) làm chủ đầu tư các dự án nhà ở chung cư gắn liền với quyền sở hữu đất đai của Chính phủ Singapore nên hoàn toàn có quyền quy định bán căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn 99 năm, đó là quyền của “chủ đất” đồng thời là “chủ dự án nhà chung cư”. Còn đối với các dự án nhà chung cư do doanh nghiệp làm chủ đầu tư trên 01% đất đai thuộc quyền sở hữu của tư nhân thì chủ đầu tư có quyền bán căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn hoặc không có thời hạn theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư với khách hàng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày tham luận.
Như vậy, tại Singapore tồn tại song song 02 chế độ sở hữu nhà chung cư có thời hạn hoặc không có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất.
Pháp luật Việt Nam hiện hành công nhận quyền sở hữu nhà chung cư lâu dài. Theo quy định tại khoản 13 Điều 3, Điều 9 Luật Nhà ở năm 2014, chủ sở hữu nhà chung cư là chủ sở hữu căn hộ chung cư, chủ sở hữu diện tích khác trong nhà chung cư. Đối với nhà ở được đầu tư xây dựng theo dự án để cho thuê mua, để bán thì không cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư mà cấp giấy chứng nhận cho người thuê mua, người mua nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở chưa cho thuê mua, chưa bán; trường hợp chủ đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê thì được cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Khoản 1 Điều 125 Luật Đất đai năm 2013 quy định người sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài trong trường hợp “đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng”, mà đất xây dựng khu chung cư cũng là “đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng”.
Theo đó, mọi người dân đều được công nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với nhà ở và quyền này được pháp luật bảo hộ, cơ quan nhà nước không được quyền xâm phạm hay trưng mua nếu không rơi vào trường hợp thật cần thiết. Trong quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã thừa nhận quyền sở hữu lâu dài của người dân đối với “đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng” nên người sở hữu nhà chung cư cũng cần phải được bảo đảm quyền sở hữu lâu dài đối với nhà chung cư.
Như vậy, cư dân sở hữu căn hộ chung cư được ghi nhận quyền sở hữu của mình tại giấy chứng nhận được cấp, từ đó bảo đảm đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình. Chủ đầu tư chung cư có trách nhiệm phải bảo đảm các quyền này của cư dân, cùng với đó cư dân cũng phải có trách nhiệm bảo quản căn hộ, tuân thủ các nội quy chung của chung cư để xây dựng môi trường sống lành mạnh cho tất cả mọi người. Đây là mối quan hệ có qua có lại, cả hai bên phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm được trao thì mới bảo đảm thực hiện toàn vẹn các quyền liên quan đến việc sở hữu căn hộ, nhà đất chung cư.
Điều 25 Dự thảo Luật Nhà ở quy định việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn sẽ được áp dụng đối với nhà chung cư xây dựng sau ngày Luật Nhà ở mới có hiệu lực thi hành, còn đối với các nhà chung cư có trước ngày Luật Nhà ở mới có hiệu lực thi hành được sở hữu không có thời hạn. Điều này sẽ dẫn đến thực tế trong hơn 100 năm tiếp theo sẽ có đến hàng trăm nghìn căn hộ nhà chung cư được sở hữu không có thời hạn và sẽ ngày càng có nhiều nhà chung cư được xây dựng sau ngày Luật Nhà ở mới có hiệu lực được sở hữu có thời hạn. Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm quản lý cả 02 loại nhà chung cư sở hữu không có thời hạn và sở hữu có thời hạn.
Vì vậy, có thể thấy Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định phù hợp khi xác định quyền sở hữu nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất, theo đó công nhận quyền sở hữu nhà chung cư không có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc công nhận sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn. Ông Hậu kết luận: Nên giữ nguyên quy định của Luật Nhà ở năm 2014 quy định quyền sở hữu nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất, theo đó công nhận quyền sở hữu nhà chung cư không có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc công nhận quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn. Điều này phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời cũng đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đa số người dân muốn sở hữu nhà chung cư không có thời hạn, để cho các chủ sở hữu nhà chung cư yên tâm, hạn chế phát sinh “tâm lý bất an” trong xã hội. Bên cạnh đó, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người dân, cần phải xây dựng thêm các quy định về trình tự đăng ký quyền sở hữu, thay đổi nội dung đăng ký quyền sở hữu đối với nhà chung cư và quy định bảo đảm quyền sở hữu của người dân trong các trường hợp cần phải tu sửa nhà chung cư xuống cấp. Phải bảo đảm sau khi tu sửa, xây mới nhà chung cư thì người dân vẫn có quyền sở hữu đối với nhà chung cư mới, hạn chế tình trạng người dân bị buộc phải miễn cưỡng bán lại quyền sở hữu của mình.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Sở hữu chung cư có thời hạn chính là hình thức thuê chung cư dài hạn
Theo ý kiến của chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, như nội dung dự thảo về thời hạn sở hữu chung cư, người mua chung cư chỉ có quyền sử dụng có thời hạn chung cư, chủ đầu tư dự án vẫn là người nắm giữ quyền sử dụng đất và tiến hành xây dựng các khu chung cư theo quy hoạch và bán có thời hạn cho người cần mua. Người mua chung cư thực chất là đi thuê chung cư trong một khoảng thời gian đủ dài, không có quyền sử dụng đối với đất xây chung cư. Giá căn hộ chung cư vì thế sẽ về đúng giá trị thật của nó, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng có nhu cầu thực mà phần lớn là người lao động tại các khu vực đô thị lớn tiếp cận được nhà ở có giá hợp lý.
Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, việc sở hữu chung cư có thời hạn cũng được thực hiện như một hình thức cho thuê dài hạn các chung cư. Trung Quốc quy định tại một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải thì các căn hộ chung cư được bán dưới hình thức có thời hạn từ 50-70 năm, khi hết thời hạn thì Nhà nước thu hồi và không phải thực hiện bồi thường.
Điều này đặc biệt rõ tại quy định của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Thái Lan quy định 2 hình thức cho người dân lựa chọn: sở hữu vĩnh viễn hoặc sở hữu có thời hạn tối đa 30 năm. Khi sở hữu vĩnh viễn, người sở hữu căn hộ chung cư được cấp quyền sở hữu đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đai. Còn trong hình thức sở hữu 30 năm thì chỉ có giấy chứng nhận sở hữu tài sản 30 năm và giá mua nhà có thời hạn chỉ bằng 30% đến 70% nhà có quyền sở hữu vĩnh viễn, quyền sở hữu đất đai vẫn do chủ đầu tư chung cư nắm giữ. Khi hết hạn sử dụng, người sở hữu chung cư có thời hạn có trách nhiệm bàn giao tài sản cho chủ đầu tư. Tại Singgapore cũng quy định cả 2 hình thức sở hữu nhà ở vĩnh viễn và sở hữu nhà ở có thời hạn, trong đó nếu sở hữu có thời hạn thì tối đa là 99 năm. Nhưng với các chủ căn hộ chung cư sở hữu có thời hạn cũng không được cấp quyền sở hữu đất đai, chỉ được cấp quyền sở hữu có thời hạn tài sản và sau khi hết hạn phải bàn giao lại tài sản mà không được đòi bồi thường hay nhận được một khoản đền bù nào khác.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính trình bày tham luận.
Ở Việt Nam, thực tiễn tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua đã có một số chủ đầu tư dự án bán căn hộ theo hình thức sở hữu có thời hạn. Ví dụ như: Công ty cổ phần quốc tế C&T đã triển khai dự án Beehome tại quận Tân Bình để bán có thời hạn sở hữu đối với 318 căn hộ có diện tích từ 30m2 – 65m2, trong đó giá bán 180 triệu đồng với thời hạn sở hữu 6 năm hoặc giá 347 triệu đồng với thời hạn sở hữu 12 năm. Sau khi hết thời hạn sử dụng thì chủ các căn hộ sẽ bàn giao các căn hộ lại cho chủ đầu tư để chủ đầu tư thực hiện quản lý, sử dụng. Hoặc như Công ty Lê Thành triển khai dự án Lê Thành Twin Towers và dự án Lê Thành Tân Tạo (quận Bình Tân) với diện tích từ 30m2 – 45m2 có giá bán 240 triệu đồng với thời hạn sở hữu 15 năm hoặc 350 triệu đồng với thời hạn sở hữu 49 năm. Sau khi hết thời hạn sử dụng thì chủ các căn hộ sẽ bàn giao các căn hộ lại cho chủ đầu tư. Thực tế trên cho thấy đây là một loại hình cho thuê nhà ở dài hạn của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, giúp thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm nhà ở để phù hợp với khả năng tài chính của người dân.
Như vậy, sở hữu có thời hạn các chung cư chỉ là một hình thức chủ đầu tư các khu chung cư cho thuê có thời hạn lâu dài, xác định trước theo hợp đồng dân sự giữa chủ đầu tư chung cư và người đi thuê (người mua chung cư có thời hạn).
Vì vậy, cần giữ nguyên quy định theo khoản 3 Điều 126 Luật Đất đai năm 2013. Hoặc nếu cần thiết, có thể quy định cả 2 hình thức sở hữu vĩnh viễn và sở hữu có thời hạn với các chung cư. Đồng thời, trong Luật Nhà ở cần có các quy định rõ ràng, đầy đủ và toàn diện hơn đối với mỗi hình thức sở hữu để quá trình áp dụng trong thực tiễn được thống nhất, dễ dàng, bảo đảm tính hiệu lực của pháp luật.
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Hợp pháp và hợp lý của việc quy định sở hữu nhà chung cư?
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu câu hỏi: Hạn chế thời gian sở hữu nhà chung cư có hợp pháp không? Và, làm như vậy có hợp lý không?
Về vấn đề thứ nhất, nhiều người cho rằng quyền sở hữu nhà chung cư là một quyền dân sự được Bộ luật Dân sự bảo hộ. Không thể dùng Luật Nhà ở – một đạo luật chuyên ngành để quy định trái với Bộ luật Dân sự được. Về mặt thứ bậc, Bộ luật Dân sự có hiệu lực pháp lý cao hơn Luật Nhà ở. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự không thể cao hơn Hiến pháp. Trong khi đó, Hiến pháp lại cho phép dùng luật để hạn chế quyền con người trong 4 trường hợp vì lý do: (1) quốc phòng, an ninh quốc gia; (2) trật tự, an toàn xã hội; (3) đạo đức xã hội; (4) sức khỏe cộng đồng. (Điều 14, Hiến pháp năm 2013). Việc hạn chế quyền sở hữu nhà chung cư (theo thời hạn sử dụng của nhà chung cư) chính là trường hợp thứ 2 – để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội – theo quy định của Hiến pháp. Như vậy, với việc giải thích Hiến pháp phù hợp, sẽ không có vấn đề pháp lý khi sử dụng Luật Nhà ở để quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.
TS Nguyễn Sĩ Dũng (bên phải) trình bày tham luận.
Với câu hỏi “việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư có hợp lý hay không?”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng câu trả lời lại không hề đơn giản.
Theo ông Dũng, trước hết, áp đặt thời hạn sở hữu nhà chung cư rất dễ bị dư luận xã hội phản đối. Đây quả thật là một vấn đề tâm lý hơn là một vấn đề pháp lý. Đối với rất nhiều người, căn hộ chung cư là một tài sản rất lớn, tích cóp cả đời người mới mua được. Sau một thời gian, cho dù là sau 80 năm, họ không còn được sở hữu nữa và con cháu họ cũng không được thừa kế là điều rất khó được chấp nhận. Trong khi đó, tại sao một chiếc xe máy, một chiếc ô tô hết hạn sử dụng người ta vẫn được quyền sở hữu, còn một căn hộ thì không?
Vấn đề đặt ra là nếu hạn chế thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ tạo ra khuyến khích mua nhà trệt, vì quyền sở hữu đối với nhà trên đất là vô thời hạn. Điều này không chỉ làm méo mó thị trường, mà còn trái với xu thế đô thị hóa.
Ban hành các quy phạm về thời hạn sử dụng nhà chung cư và bảo đảm việc thi hành vẫn hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề. Xe hết hạn sử dụng, không được đi nữa; nhà chung cư hết hạn sử dụng không được ở nữa. Những quy định áp đặt được cho xe thì cũng cần phải áp đặt được cho nhà. Mà như vậy thì không chỉ có xe phải đăng kiểm định kỳ, mà nhà cũng phải thẩm định về độ an toàn định kỳ.
Với những phân tích trên, diễn giả Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, phương án quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư tuy hợp pháp, nhưng chỉ hợp lý một cách vừa phải. Tối ưu hơn sẽ là phương án không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Tuy nhiên, nếu Luật Nhà ở không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, thì vẫn phải quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư. Hết thời hạn sử dụng thì cư dân không được ở trong nhà chung cư nữa. Pháp luật chỉ tước bỏ quyền sử dụng, chứ không phải tất cả các quyền cấu thành quyền sở hữu của các chủ nhà chung cư. Tuy nhiên, quyền luôn luôn đi liền với trách nhiệm. Muốn không cho phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại, thì các chủ sở hữu phải có trách nhiệm chi tiền để duy trì chung cư sao cho nó không làm cảnh quan của thành phố trở nên nhếch nhác. Ngoài ra, nếu ngôi chung cư sụp đổ gây thiệt hại cho bất kỳ ai, thì các chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đó chính là bản chất của pháp luật.
Luật sư Trương Anh Tú: Quy định pháp luật phải giải được “bài toán” vừa bảo đảm quyền sở hữu của công dân, vừa bảo đảm an toàn, chất lượng xây dựng công trình
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty luật TNHH Trương Anh Tú (TAT Law firm) cho rằng, tại phương án 1, Bộ Xây dựng có nêu: “Bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời gian sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng”. Từ góc độ về quyền sở hữu của cá nhân đối với tài sản cũng như thời hạn sử dụng để bảo đảm chất lượng và an toàn khi sử dụng nhà chung cư, chúng ta nhận thấy có những điểm mâu thuẫn cơ bản như sau:
Về quyền sở hữu, hệ thống pháp luật nước ta công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản cá nhân. Từ Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận, tôn trọng, bảo hộ quyền sở hữu tư nhân (Điều 32) và khoản 3 Điều 54 của Hiến pháp quy định quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ, đất do tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ có thể bị thu hồi trong trường hợp thật cần thiết theo luật định đó là vì mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, công cộng.
Trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài sản, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục ghi nhận những quyền mà chủ sở hữu có được gồm Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Bộ luật Dân sự năm 2015 cụ thể hóa quy định tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận căn cứ xác lập quyền sở hữu, theo đó quyền sở hữu chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Tại Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản không bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật theo quy định.
Luật sư Trương Anh Tú trình bày tham luận.
Như vậy, tại Việt Nam, quyền sở hữu tài sản là quyền hiến định, được Hiến pháp công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Những ngành luật khác đều hình thành trên những nguyên tắc của Hiến pháp mà trong đó quyền tài sản là thuộc quyền công dân được quy định trong các bộ luật, luật, văn bản dưới luật đều phải tuân thủ, không được trái với nguyên tắc đã quy định tại Hiến pháp.
Mặt khác, trong Dự thảo Luật Nhà ở có đưa quy định về “thời hạn sở hữu nhà chung cư” là mâu thuẫn với “quyền sở hữu tài sản” của công dân. Tuy nhiên, ở một góc độ khác việc quy định “thời hạn sử dụng công trình nhà chung cư” theo QCVN 04:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư là cần thiết và đúng đắn dựa trên cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Ở Việt Nam và các nước trên thế giới hiện nay đều đặt ra tiêu chuẩn chất lượng công trình, không cho phép nhà chung cư tồn tại vĩnh viễn mà không tính đến các yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, khoa học xây dựng. Tiêu chuẩn này đưa ra là nhằm mục đích bảo đảm quyền lợi, an toàn cho người dân là phù hợp. Vậy trong sự mâu thuẫn, đặt ra vấn đề là chúng ta phải giải được “bài toán” này, để vừa bảo đảm quyền sở hữu của công dân, vừa bảo đảm an toàn, bảo đảm chất lượng xây dựng công trình.
Về quy định thời hạn sử dụng công trình, dự thảo Luật Nhà ở bổ sung: “Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế… khi thẩm định hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải ghi rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư trong hồ sơ thiết kế”.
Quan điểm trên là xét theo khía cạnh tiêu chuẩn xây dựng đối với các công trình xây dựng, tuy nhiên khi đưa ra quy định tại dự thảo Luật Nhà ở thì việc quy định “thời hạn sở hữu nhà chung cư” như trên sẽ mâu thuẫn với quy định về quyền sở hữu quy định tại Hiến pháp và các bộ luật liên quan. Bởi, khi người dân mua tài sản là bất động sản thì vấn đề cốt lõi ở đây là sở hữu, quản lý giá trị đất đai mà họ đã bỏ tiền ra để có quyền sở hữu lâu dài.
Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế mua bán và sử dụng, để đánh giá chất lượng xây dựng công trình nhà chung cư so với nhà ở thương mại thì mặt bằng giá cả kinh doanh đối với các dự án nhà ở thương mại căn hộ hiện nay, giá bán chung cư dao động trung bình khoảng 60-80 triệu đồng/m2 tại các quận nội thành Hà Nội, từ 50 triệu đồng/m2 đến 200 triệu đồng/m2 tùy khu vực tại TP. Hồ Chí Minh. Qua tìm hiểu, tham khảo các chuyên gia xây dựng hàng đầu tại Việt Nam, chi phí xây dựng nhà chung cư chỉ chênh lệch trên dưới 10 triệu đồng/m2 đối với nhà ở thương mại, kể cả nhà ở thương mại hạng sang. Với nhà giá bán 50 triệu đồng/m2 thì giá trị xây dựng chỉ tương đương 20% giá trị bán, nhà 100 triệu đồng/m2 tương đương với 10%, nhà 200 triệu đồng/m2 tương đương 5%.
Như vậy, nếu căn cứ trên thời hạn sử dụng nhà chung cư mà chấm dứt quyền sở hữu tài sản là không hợp lý. Thêm vào đó, về bản chất của quyền sở hữu đối với tài sản thì Nhà nước không can thiệp vào quyền sở hữu tài sản cá nhân, việc quy định “thời hạn sở hữu nhà” không được làm ảnh hưởng hay làm chấm dứt quyền sở hữu của người dân.
Luật sư Tú nêu một ví dụ về quyền sở hữu tài sản khác không phải là bất động sản: Anh A. bỏ tiền ra mua một chiếc xe ô tô, A. là chủ sở hữu đối với chiếc xe đó. Hết thời hạn đăng kiểm lần đầu theo quy định của pháp luật nhưng A. không tiếp tục đăng kiểm với cơ quan có thẩm quyền. Hành vi không đăng ký xe của A., Nhà nước chỉ không cho phép A. được tham giao thông nhưng làm mất quyền sở hữu tài sản của A.
Theo Luật sư Tú, khi bàn tới việc sửa đổi Luật Nhà ở thì phải bảo đảm quy định về chất lượng công trình xây dựng phù hợp với quy chuẩn về kỹ thuật công trình đã được các văn bản quy phạm pháp luật quy định trước đây. Có hai vấn đề được đặt ra trong quy định này: Thứ nhất, là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đai là bất biến, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ; Thứ hai, là giới hạn công trình nhà ở về thời gian sử dụng và quyền sở hữu đang rất mâu thuẫn với nhau mà trách nhiệm của những nhà làm luật phải tìm được điểm chung để xử lý vấn đề này. Cần có sự đồng bộ trong giữa các bộ luật, luật với nhau để bảo đảm quyền sở hữu của người dân mà vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật trong khoa học xây dựng và thực tế sử dụng.
Bà Phạm Thị Phương Thảo: Giữ nguyên quy định hiện hành về thời hạn sở hữu và bổ sung các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo, đầu tư, xây mới với chung cư hết niên hạn sử dụng
Đến từ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, bà Phạm Thị Phương Thảo, Công ty cổ phần Tư vấn, đầu tư và xây dựng Việt Vương cho rằng, nhà làm luật cần lường trước những tác động của việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư tới thị trường bất động sản. Nếu quy định này được hiện thực hóa thì về phía Nhà nước thuận tiện trong hoạt động quản lý, thu hồi đất để thực hiện các dự án cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư, thu thêm tiền sử dụng đất khi triển khai dự án mới sau khi chung cư hết thời hạn sở hữu.
Bà Phạm Thị Phương Thảo, Công ty cổ phần Tư vấn, đầu tư và xây dựng Việt Vương.
Tuy nhiên, theo bà Thảo, về phía người dân và xã hội sẽ có 3 tác động tiêu cực:
Thứ nhất, nhiều người sẽ bỏ lựa chọn nhà chung cư để chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ gắn liền với đất ở, kéo theo giá biệt thự, nhà phố và các chung cư cũ bị đẩy lên cao. Hiện nay, Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa cao, dân số đô thị tăng nhanh, mật độ dân cư dày đặc và đang khuyến khích phát triển đô thị cao tầng. Thói quen sử dụng nhà chung cư chỉ mới định hình trong một thập niên trở lại đây. Do đó, đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn có thể khiến thị trường căn hộ bị suy giảm. Ngoài ra, nếu chính sách này được áp dụng có thể tác động tiêu cực đến mục tiêu ưu tiên phát triển nhà chung cư tại đô thị đặc biệt, loại 1 và loại 2 để sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ hai, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư còn gây ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng do không muốn mua nhà chung cư với quyền sở hữu bị hạn chế bởi thời hạn. Vì đối với đại đa số người dân Việt Nam, bất động sản nhà ở không chỉ đơn thuần với mục đích để đáp ứng yêu cầu về chỗ ở mà còn bao hàm giá trị của việc bảo toàn tài sản của người chủ sở hữu. Việc mua và giữ bất động sản được coi như một kênh đầu tư vừa có ý nghĩa bảo toàn giá trị đồng thời làm tăng giá trị tích lũy vì giá bất động sản luôn có xu hướng tăng lên, càng để lâu càng có giá trị. Đây là một trong những yếu tố làm giá bất động sản ở Việt Nam được đánh giá là cao hơn mức thu nhập nhưng mọi người vẫn muốn mua và sở hữu bất động sản thay vì lựa chọn phương án thuê nhà ở để phù hợp với nhu cầu mà chi phí có thể thấp hơn đi mua.
Thứ ba, tâm lý khách hàng có sự thay đổi dẫn đến thị trường bất động sản bị xáo trộn, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì khó bán sản phẩm.
Vì vậy, bà Thảo cho rằng, nên giữ nguyên quy định hiện hành về thời hạn sở hữu và bổ sung các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo, đầu tư, xây mới với chung cư hết niên hạn sử dụng, cụ thể như sau:
Một là, giữ nguyên quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phép phát triển cả 2 loại hình nhà chung cư sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài và nhà chung cư sở hữu có thời hạn.
Hai là, cần quy định rõ thời hạn sử dụng, cải tạo nhà chung cư cũ, quy trình, vốn đầu tư nhà ở xã hội. Không nên vì khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong nhiều năm qua mà lại đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn để Nhà nước dễ thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ…
Ba là, nên tách thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất. Sử dụng chung cơ có thời hạn còn sử dụng đất vẫn lâu dài, khi chung cư xuống cấp thì cưỡng chế sửa chữa. Cần quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền đánh giá về niên hạn, việc xuống cấp nhà chung cư.
Bốn là, khi nhà chung cư cần phải sửa chữa hay xây dựng lại thì người dân phải được bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền được ở ngay tại chính chỗ đó. Vì vậy, các chính sách về việc đền bù, di dời, hỗ trợ người dân cũng cần phải quy định rõ.
Luật sư Trần Xuân Tiền: Nên giữ nguyên như quy định cũ
Không đồng tình với quy định về thời hạn sở hữu chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội cho rằng, một số quốc gia trên thế giới kể cả có hệ thống pháp luật tương tự và không cùng hệ thống pháp luật như Việt Nam cũng quy định thời hạn sở hữu chung cư. Việc chúng ta không ngừng học hỏi các chính sách hay, hữu ích từ các nước luôn được đánh giá cao và được đông đảo người dân ủng hộ. Tuy nhiên, việc học và áp dụng là hai điều hoàn toàn trái ngược nhau. Để áp dụng được hay không thì phải tùy vào tình hình phát triển, điều kiện kinh tế ở mỗi nước. Với tâm lý an cư lạc nghiệp, đa số người dân bỏ tiền ra đều muốn sở hữu căn hộ chung cư cùng với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài. Bởi, họ đều xem đây là tài sản có giá trị cao để lại cho con cháu, còn việc sử hữu một căn chung cư có thời hạn chẳng khác gì việc họ đi thuê dài hạn và đến cuối cùng họ chẳng có tài sản cho riêng mình. Không nên vì khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong nhiều năm qua mà lại đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn để Nhà nước thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội.
Theo Luật sư Tiền, hiện nay dự thảo chỉ quy định thời hạn sở hữu chung cư đối với các chung cư chưa được cấp phép xây dựng, các chung cư đã được đưa vào sử dụng trước thời điểm dự thảo có hiệu lực sẽ không bị áp dụng thời hạn sử dụng. Điều này có thể dẫn tới tình trạng người dân thay vì bỏ ít tiền để sở hữu chung cư có thời hạn, họ chấp nhận bỏ nhiều tiền để sở hữu một nhà mặt đất bảo đảm quyền lợi cho con cái họ sau này hoặc một chung cư xuống cấp nhưng được sở hữu lâu dài. Và phương án này dường như chỉ thích hợp với những người có điều kiện kinh tế, còn đối với những người khác thì đây có thể là một rào cản khá lớn khi họ muốn sở hữu một căn nhà tại các thành phố lớn.
Không những thế, trách nhiệm xây lại chung cư khi hết hạn sử dụng trong vài chục năm nữa sẽ thuộc về ai: Nhà nước, chủ đầu tư hay các chủ sở hữu? Nếu thuộc về nhà nước thì liệu ngân sách có đáp ứng không trong trường hợp có hàng loạt các dự án cải tạo chung cư xuống cấp cùng thời điểm? Nếu trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư thì có thể gây bất lợi cho chủ đầu tư khi bỏ kinh phí cải tạo, xây mới xong lại bị bỏ trống do không có người mua? Hoặc nếu vẫn để trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư thì nhà nước có quy định như thế nào về việc hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình xây dựng? Nếu trách nhiệm sẽ thuộc về tập thể những người sở hữu chung cư muốn tái định cư tại chỗ thì quyền lợi của họ như thế nào cũng phải quy định rõ. Ví dụ, như việc bồi thường cho họ bằng căn hộ có diện tích bằng hoặc lớn hơn nhà cũ bị phá dỡ hay việc được miễn lệ phí trước bạ khi cấp giấy chủ quyền nhà đất…
Với những phân tích nên trên, Luật sư Tiền cho rằng, các quy định về nhà chung cư cũng như việc cải tạo nhà chung cư đã được quy định quá rõ ràng, vì vậy, nên tiếp tục giữ nguyên chính sách cho phép phát triển cả 2 loại nhà chung cư sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài hoặc nhà chung cư sở hữu có thời hạn để bảo đảm chính sách nhà ở nhất quán và có tính kế thừa.
Ban Chủ trì điều hành Tọa đàm.
PGS. TS Doãn Hồng Nhung: Quy định về niên hạn sử dụng chung cư phải dựa vào chất lượng công trình, không can thiệp vào quyền sở hữu tuyệt đối của người có căn hộ
PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi: Việc quy định về niên hạn sử dụng chung cư (mà thời hạn sở hữu chung cư phụ thuộc vào niên hạn sử dụng chung cư) trong Dự thảo Luật Nhà ở phải chăng là ý tưởng của nhà quản lý nhằm dễ dàng cho việc thu hồi, cải tạo chung cư cũ đang tồn tại ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam?
Theo bà, việc quy định về niên hạn sử dụng chung cư phải dựa vào yếu tố chất lượng công trình chứ không can thiệp vào quyền sở hữu tuyệt đối của người sử dụng đất và người sở hữu căn hộ. Dù sở hữu đất là tuyệt đối và vĩnh viễn thuộc về toàn dân của dân tộc Việt Nam nhưng nhà ở là sở hữu tư nên chúng ta cần làm tốt được mục đích “sở hữu kép”. Việc khẳng định sở hữu đối với tài sản là thiêng liêng đối với nhà ở là quyền sở hữu vĩnh viễn và tuyệt đối chứ không chỉ có chung cư. Do đặc thù cấu trúc của chung cư là xếp chồng lên nhau, nhưng không phải là sở hữu đa cấp nên nó chịu sự tác động của tự nhiên như nắng gió, phụ thuộc vào chất liệu xây dựng, kiểu dáng kiến trúc, sức chịu tải của vật liệu là bê tông hay gạch lỗ, gạch sỉ đóng tay,… nên trong quá trình sử dụng, khai thác những lợi ích của chung cư nó có thể bị ảnh hưởng như: Nứt, gãy, nghiêng, sụt lún,… gây mất an toàn cho người sử dụng chung cư đó. Việc quy định niên hạn sử dụng chung cư cũng rất cần thiết cho hoạt động quản lý khi xử lý và cải tạo chung cư cũ.
PGS.TS Doãn Hồng Nhung.
Nhà nước cần phải ban hành các quy định pháp luật về quản lý chung cư để bảo đảm an toàn cho cư dân và người sở hữu tài sản. Các quy định pháp luật ban hành nhằm mục đích để làm sao bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ quyền sở hữu của người đang chiếm hữu và sử dụng căn hộ chung cư. Mặt khác, cần phải đưa ra các quy định pháp luật và chế tài đủ mạnh để nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng tòa chung cư, nhà cao tầng nếu việc thi công, thiết kế đã gây ra những lỗi ảnh hưởng đến uy tín của nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, ảnh hưởng đến những người sử dụng những tiện ích, sử dụng chung cư. Đây là vấn đề sẽ giải quyết khi niên hạn nhà bị ảnh hưởng, sự lo lắng của người dân về khối tài sản mà họ đã tích cóp cả đời lại có nguy cơ phải rời xa nơi sinh sống, nơi tích trữ của cải và nơi lưu giữ một thời kỷ niệm của cuộc đời của mỗi con người. Nên chăng vấn đề này cần có những quy định đối với giá trị đất phần chung cư thì chủ sở hữu có thể bán lại cho chủ đầu tư vì quy định đối với căn hộ thì chỉ được sử dụng theo niên hạn 50, 70 và 90 năm tùy theo chất lượng công trình trong từng giai đoạn, và phải khẳng định được là quy định này không hồi tố. Nếu thực hiện như vậy sẽ có tác động tốt đến thị trường nhà đất hiện nay và tạo tâm lý ổn định cho người dân.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo: Quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư: Một bước tiến bộ của dự thảo Luật Nhà ở
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An cho rằng, nếu dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi lần 2) được thông qua thì việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ có nhiều tác động tích cực tới việc quản lý, sử dụng nhà ở chung cư trong thời gian tới.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thể xây dựng được bộ khung chi tiết về quy định chất lượng căn hộ chung cư và việc kiểm định chất lượng căn hộ chung cư sẽ được thực hiện một cách chặt chẽ.
Về phía chủ đầu tư, việc sửa chữa, cải tạo căn hộ chung cư xuống cấp sẽ được tiến hành thuận tiện hơn theo đúng quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng có nhiều tác động tích cực đến người dân. Quy định về thời hạn sở hữu căn hộ chung cư có thể tác động đến giá nhà, từ đó giúp người dân tiếp cận nhà chung cư tốt hơn. Khi căn hộ chung cư hết thời hạn thì người sở hữu căn hộ chung cư vẫn có thể được gia hạn thời gian sử dụng hoặc được hỗ trợ bồi thường tái định cư.
Từ đó, Luật sư Hảo cho rằng, việc xác định thời hạn sở hữu căn hộ chung cư là bước tiến bộ của dự thảo Luật Nhà ở.
Luật sư Nguyễn Hồng Tâm: Cần tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người dân
Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Chí Công & Thiện Tâm cho rằng, pháp luật phải tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người dân một cách toàn diện, đặc biệt là đối với tài sản có giá trị lớn như nhà ở. Việc giới hạn thời hạn sở hữu nhà chung cư tuy có nhiều thuận lợi cho công tác quản lý, nhưng e rằng để áp dụng quy định trên cho toàn bộ chung cư là chưa phù hợp ở giai đoạn hiện nay.
Luật sư Nguyễn Hồng Tâm.
Theo Luật sư, cần phải cho người dân sự lựa chọn về hình thức quyền sở hữu đối với tài sản có giá trị lớn của họ, theo đó nên giữ quy định có hai hình thức sở hữu nhà chung cư đó là có thời hạn và lâu dài.
Luật Nhà ở cần phải quy định chi tiết hơn nữa các tiêu chí để xác định đâu là dự án nhà ở với hình thức sở hữu có thời hạn, đâu là dự án nhà ở với hình thức sở hữu lâu dài. Sự điều chỉnh quy định pháp luật, đặc biệt các quy định liên quan lớn đến đời sống của người dân như quyền sở hữu nhà cần phải có lộ trình, lấy ý kiến rộng rãi người dân nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Phát biểu thảo luận những vấn đề pháp lý liên quan đến chủ đề buổi Tọa đàm, ông Đặng Trần Đức, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc quy định về thời hạn sở hữu chung cư như dự thảo Luật Nhà ở là hợp lý cho tương lai 100 năm sau.
Ông Đặng Trần Đức.
Về quyền của người dân đối với tài sản, ông Đức cho rằng người dân vẫn có quyền lựa chọn hình thức sở hữu chung cư, không ai bị tước đoạt bất cứ quyền lợi nào.
TS Trần Minh Sơn.
Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm, TS Trần Minh Sơn, Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành, Bộ Tư pháp cho rằng, đề xuất của Bộ Xây dựng cần phải được nghiên cứu kỹ khi Bộ này tiếp tục giữ quan điểm theo phương án 1 để tránh gây tâm lý “sốc” cho người dân.
Bên cạnh đó, phải lường được gánh nặng đối với cơ quan quản lý nhà nước như thế nào trong việc quản lý nhà chung cư.
Thay mặt Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cảm ơn Tạp chí Luật sư Việt Nam đã mời dự Tọa đàm về vấn đề chuyên sâu đang được dư luận quan tâm.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.
Theo ông Khởi, vấn đề nhà ở rất phức tạp, sở hữu nhà chung cư chỉ là một vấn đề. Theo đó, đề xuất về thời hạn sở hữu nhà chung cư đã được Bộ Xây dựng đưa ra từ đầu năm 2021 và trình Chính phủ.
Về hai phương án đề xuất đều có những ưu, nhược điểm của nó. Trước khi trình Quốc hội, các phương án này đã được đánh giá tác động. Xoay quanh đó đã có rất nhiều hội thảo được tổ chức, lấy ý kiến các hiệp hội, người dân, bộ ngành…; và có đến 80% ý kiến đồng ý với dự thảo.
“Qua Tọa đàm này, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá tác động từ ý kiến của các đại biểu, nhất là các luật sư, để văn bản được ban hành vừa có sự đột phá trong chính sách nhưng vẫn bảo đảm không gây xáo trộn tâm lý và cuộc sống của người dân”, ông Khởi cho biết.
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, thay mặt ban Tổ chức, ThS Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đại biểu đã gửi tham luận và đóng góp ý kiến tại buổi Tọa đàm.
ThS Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đại biểu đã gửi tham luận và đóng góp ý kiến tại buổi Tọa đàm.
Tọa đàm đã thu hút gần 20 tham luận, nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc của các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, luật sư nhằm làm sáng tỏ tính pháp lý của vấn đề. Với chức năng đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật, phản ánh thông tin về hoạt động thực thi pháp luật, kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước, thông qua các ý kiến trình bày tại Tọa đàm, ThS Đặng Ngọc Luyến hy vọng đây sẽ là một kênh thông tin quan trọng giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra được các chính sách phù hợp, sát với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và khách hàng.
Nhóm PV
Nguồn: Tạp Chí Luật Sư Việt Nam
https://lsvn.vn/tong-thuat-toa-dam-quy-dinh-thoi-han-so-huu-chung-cu-nhung-van-de-phap-ly-va-thuc-tien1669340965.html?fbclid=IwAR1sUdZFwuTF_-E7FyBxs1jwbftKl6LlbvL0VRO2bGqaTe4-lE8fPrSdbVQ