Hành vi đòi nợ như vụ 13 người của MAFC bị bắt là không thể chấp nhận

(Dân trí) – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng đơn vị chủ quản không thể chối bỏ trách nhiệm khi để nhiều nhân viên thu hồi nợ có hành vi vu khống, đe dọa khách hàng, vi phạm pháp luật.

Trước sự việc 13 nhân viên đòi nợ của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (MAFC) bị Công an TPHCM khởi tố, bắt tạm giam vì tội Vu khống vào ngày 20/11, TS Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) – cho biết cá nhân ông nói riêng và VNBA nói chung rất bức xúc về các hành vi thu hồi nợ trái pháp luật.

Theo thông tin từ cơ quan công an, với khách hàng thuộc nhóm nợ trên 180 ngày (chia thành 2 nhóm A, B), những người bị bắt tạm giam sử dụng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội nhằm gây sức ép, buộc người vay tiền trả nợ.

Ông Hùng cho biết hiệp hội thường xuyên mời họp tất cả công ty tài chính để quán triệt quan điểm cần tuân thủ quy định pháp luật, tuyệt đối không sử dụng các biện pháp thu hồi nợ phản cảm, manh động, có màu sắc “xã hội đen”. Ông cũng đánh giá thời gian qua, nhiều công ty tài chính cũng đã chấn chỉnh nhân viên, nhận được đánh giá tốt hơn từ khách hàng.

Trong bối cảnh đó, vụ việc nhiều nhân viên đòi nợ có những hành vi vi phạm pháp luật như tại công ty MAFC theo ông Hùng là không thể chấp nhận được. Dù là nhân viên có hợp đồng hay không, đơn vị chủ quản phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự việc như trên, nhất là không phải 1-2 cá nhân mà cả một nhóm nhân viên cùng vi phạm pháp luật, không thể đổ lỗi chỉ do cán bộ nhân viên.

Hành vi đòi nợ như vụ 13 người của MAFC bị bắt là không thể chấp nhận - 1

Công an khám xét một văn phòng của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset tại TPHCM (Ảnh: Công an cung cấp).

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam – cũng nhấn mạnh người vay tiền không thể bị xâm phạm nhân phẩm, danh dự, sức khỏe vì chậm trả nợ. Hoạt động thu hồi nợ của các đơn vị cho vay phải tuân thủ quy định pháp luật.

Luật sư Hậu cho biết những hành vi bịa đặt, lan truyền thông tin sai sự thật nhằm gây rối, đe dọa người khác có thể bị khởi tố về tội vu khống hoặc làm nhục người khác đã được Bộ luật Hình sự quy định.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, khi gặp những hành vi có tính chất “khủng bố” tinh thần như bị cắt ghép hình ảnh sai sự thật để đe dọa, vu khống, yêu cầu trả tiền dù không vay tiền, người dân có thể lập vi bằng, tố giác với cơ quan công an để bảo vệ bản thân. Tùy mức độ của hành vi vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử lý hành chính hoặc hình sự.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, VNBA mong muốn cơ quan chức năng sớm công bố kết quả liệu những hành vi sai phạm trong vụ việc này có tính tổ chức hay không. Ông Hùng cho rằng vụ việc này không chỉ liên quan đến một doanh nghiệp mà có thể ảnh hưởng đến hình ảnh nói chung của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, yêu cầu các hội viên phải chấn chỉnh công tác thu hồi nợ sao cho đúng pháp luật, văn minh, cán bộ nhân viên trong ngành phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp”, Tổng thư ký VNBA thông tin với Dân trí.

Theo thông tin từ MAFC, 13 người bị bắt tạm giam mới gia nhập công ty vào năm nay, 7 người còn trong quá trình thử việc. “Trước đó, một số đối tượng trong nhóm nhân viên đã tham gia nhiều công ty tài chính khác nhau, thực hiện những hành vi vu khống, cắt ghép thông tin, bôi nhọ danh dự khách hàng, thực hiện các hành vi thu nợ trái pháp luật. Khi vừa phát hiện vi phạm, công ty đã thực hiện kỷ luật và cảnh cáo đối với các nhân viên này”, doanh nghiệp thông tin.

Công ty tài chính này thông tin đã quy định nhân viên không được dùng mạng xã hội để bêu xấu khách hàng và người thân của khách hàng hoặc tung tin nợ quá hạn của khách hàng, không dùng vũ lực để thu hồi nợ, lời nói xúc phạm đến khách hàng và người thân của họ. Công ty cũng khẳng định không yêu cầu nhân sự thực hiện các hành vi đòi nợ trái pháp luật và cho biết sẽ thắt chặt hơn quy trình tuyển dụng người, quy trình thu nợ, xử lý nghiêm người vi phạm.

Tuy nhiên, với câu hỏi tại sao các nhân viên nói trên từng thực hiện các hành vi thu nợ trái pháp luật nhưng vẫn được tiếp tục làm việc tại MAFC và trách nhiệm của MAFC trong vụ việc để các nhân viên đòi nợ vi phạm pháp luật ra sao, đại diện bộ phận truyền thông của công ty tài chính này hiện chưa đưa ra câu trả lời.

Nguồn: Báo Dân Trí

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/hanh-vi-doi-no-nhu-vu-13-nguoi-cua-mafc-bi-bat-la-khong-the-chap-nhan-20221122153252970.htm?gidzl=xprdUOfFib_fAs1zZrYoN-ibO7YL2UTUztSzSvO5wb-WV3WkabJZ3A4lONl51hOCztKsAc5GIkCKZKImLG