TPHCM: Cần lấy ý kiến người dân về Quy định tiền phạt trong lĩnh vực giao thông

Thượng tá Đoàn Văn Quới phát biểu tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 11/11,  Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành trên địa bàn TPHCM. Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Phan Kiều Thanh Hương chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TPHCM (PC08) cho biết, những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP diễn biến phức tạp. Số vụ tai nạn giao thông (TNGT) luôn ở mức cao, tỷ lệ phương tiện giao thông tăng hàng năm, tình trạng ùn ứ giao thông vẫn xảy ra vào các giờ cao điểm…

Theo Thượng tá Đoàn Văn Quới, TPHCM là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều trục đường quốc lộ quan trọng chạy qua như Quốc lộ 1A, 1K, 13, 22, 50… Vì vậy, cần thiết phải có quy định, chế tài đặc thù cho TP để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông, kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông.

Dự thảo Nghị quyết Quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành trên địa bàn TP gồm 3 chương, 8 điều, được quy định với những nội dung cụ thể như: Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và quy định về vận tải đường bộ; Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Bên cạnh đó, các hành vi quy định tăng khung tiền phạt đối với xe ô tô thuộc nhóm hành vi vi phạm các quy định về quy tắc giao thông đường bộ và quy định về vận tải đường bộ; các hành vi quy định tăng khung tiền phạt đối với xe mô tô thuộc nhóm hành vi vi phạm các quy định về quy tắc giao thông đường bộ tương ứng; Các hành vi quy định tăng khung tiền phạt về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Theo Thượng tá Đoàn Văn Quới, Dự thảo áp dụng khung tiền phạt gấp 2 lần so với khung tiền phạt của Nghị định 100 hiện hành, nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đánh mạnh vào ý thức của người dân khi tham gia giao thông trên địa bàn TP. Phạm vi không gian để áp dụng khung tiền phạt bao gồm tuyến đường vành đai và toàn bộ các đường bên trong tuyến vành đai. Cụ thể, tuyến đường vành đai được xác định là: Quốc lộ 1 (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 – Nguyễn Văn Linh đến giao lộ Quốc lộ 1 – Xa lộ Hà Nội) — Xa lộ Hà Nội (đoạn từ Quốc lộ 1 – Xa lộ Hà Nội đến nút giao thông Cát Lái) — đường Mai Chí Thọ – đường Đồng Văn Cống (đến đường Võ Chí Công) – đường Võ Chí Công (từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Phú Mỹ) – cầu Phú Mỹ – đường Trên cao (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Khu A Nam Sài Gòn) – đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1).

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng TPHCM là một địa bàn đặt thù, có đối tượng, chủng loại phương tiện và mật độ giao thông đa dạng, phức tạp; ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, chưa tự giác chấp hành pháp luật giao thông; việc vi phạm vẫn lặp đi lặp lại đối với một số hành vi như đi ngược chiều vào đường cấm, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, các sai phạm này dẫn đến tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao… Vì vậy, việc xử lý vi phạm hành chính về giao thông cần phải có quy định mang tính đặc thù riêng biệt của TP.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng dự thảo này còn nhiều vấn đề cần xem xét lại. Cụ thể, dự thảo vẫn chưa lấy ý kiến của đối tượng trực tiếp chịu tác động là người tham gia giao thông, chưa đánh giá tác động sau khi ban hành, chưa có báo cáo tổng kết việc thi hành xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian qua để có cái nhìn khách quan.

Để đảm bảo hiệu quả và tính khả thi của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và công tác phòng chống các vi phạm giao thông đường bộ, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị tạm dừng thông qua “Nghị quyết Quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành trên địa bàn TP”. Việc tạm dừng này để các sở, ban ngành nghiên cứu thêm và làm lại, xem xét, sửa đổi những bất cập về xử phạt vi phạm hành chính vi phạm giao thông trên thực tế hiện nay của TP.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND TPHCM, cũng nêu lo ngại có thật sự cần thiết để ban hành nghị quyết trong thời điểm hiện nay không. Do đó, kiến nghị lấy thêm ý kiến hiệp hội vận tải TP về việc gia tăng mức xử phạt.

Một số ý kiến cũng cho rằng cần có sự thống nhất giữa khái niệm “nội thành” và “nội đô”, khái niệm “nội thành” đưa ra trong dự thảo có khác gì với quy hoạch của TP hay không. Đồng thời, dự thảo cần có số liệu, thông tin cụ thể để đánh giá Nghị định 100 hiện hành có điểm nào chưa phù hợp để phải thay thế.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần sớm triển khai dự thảo bởi việc tăng số tiền xử phạt sẽ thúc đẩy người tham gia giao thông chấp hành tốt pháp luật hơn, kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, góp phần tăng cường trật tự an toàn giao thông đường bộ và bảo vệ tính mạng con người. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, nhất là học sinh, sinh viên…

Ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, Thượng tá Đoàn Văn Quới cho biết, Công an TPHCM sẽ cập nhật số liệu, bổ sung vào dự thảo. Đồng thời, trong thời gian tới sẽ triển khai lấy ý kiến người dân về dự thảo tăng mức tiền phạt vi phạm giao thông trong nội thành TPHCM gấp 2 lần.

Long Hồ

Nguồn: Trang Tin Điện Tử Đảng Bộ TP.HCM

https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-can-lay-y-kien-nguoi-dan-ve-quy-dinh-tien-phat-trong-linh-vuc-giao-thong-1491901317