Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành về việc nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh giá hàng hóa tiêu dùng leo thang cần phải sửa đổi Luật Thuế TNCN theo hướng: Nâng mức giảm trừ gia cảnh để giảm gánh nặng cho người dân. Đồng thời cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, vì mức 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay đã quá lạc hậu khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi.
Mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu so với diễn biến giá cả thực tế.
Trong ảnh: Người dân đang làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG
Người dân chắt bóp chi tiêu, thu thuế cá nhân vẫn tăng
Dù người dân đang chật vật thắt chặt chi tiêu vì thu nhập không tăng trong khi giá cả hàng hóa thiết yếu liên tục tăng cao nhưng số thu từ thuế TNCN vẫn tăng mạnh. Cụ thể, theo Tổng cục Thuế, trong ba tháng đầu năm nay, khoản thu từ thuế TNCN tăng hơn 20%, lên tới 50.700 tỉ đồng, hoàn thành gần một nửa kế hoạch cả năm 2022.
Chị Thúy Ngọc (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến giờ, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, giá cả mặt hàng nào cũng tăng 10%-20% từ nước mắm, đường, gạo, dầu ăn đến xăng, gas, điện, nước… Tiền thuê nhà, tiền học của con cũng tăng. Riêng khoản chi tiêu ăn uống hằng ngày cho gia đình trước đây khoảng 10 triệu đồng/tháng thì nay tăng lên khoảng 12 triệu đồng.
Theo tính toán của chị Ngọc, hai vợ chồng chị có tổng thu nhập hằng tháng khoảng 35 triệu đồng, mức giảm trừ bản thân hai người là 22 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc cho con là 4,4 triệu đồng/tháng. Tính ra số tiền được giảm trừ không phải chịu thuế là 26,4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập còn lại phải nộp thuế là 8,6 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ trong lúc gia đình thắt chặt mọi khoản chi tiêu.
Tương tự, gia đình anh Minh Tuấn (quận 10, TP.HCM) cũng đang đau đầu với việc chi tiêu vì đang vay mua nhà, mỗi tháng phải trả tiền gốc lẫn lãi khoảng 12 triệu đồng. Vợ anh ở nhà nội trợ, chăm con, cả nhà trông cậy vào khoản thu nhập của anh khoảng 30 triệu đồng.
Anh Tuấn cho biết hiện được giảm trừ bản thân là 11 triệu đồng, cho một người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng và BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 3,1 triệu đồng. Tổng các khoản được giảm trừ là 18,5 triệu đồng… Số thuế phải nộp hằng tháng là hơn 950.000 đồng, tính cả năm cũng hơn 11 triệu đồng.
“Theo tôi, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lẫn người phụ thuộc vì hiện nay thực tế chi phí người dân đều tăng. Bên cạnh đó, tiền lãi vay mua nhà, tiền xăng, điện, nước, học phí, viện phí… cũng cần phải được giảm trừ khi tính thuế” – anh Tuấn bày tỏ.
Nhiều bất hợp lý
Một trong những bất hợp lý ảnh hưởng đến việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN được các chuyên gia chỉ ra là cách tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chuyên gia thuế Trần Xoa phân tích: Hiện nay, Luật Thuế TNCN quy định khi CPI tăng 20% thì Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Quy định này đã cho thấy một số bất cập.
Cụ thể, việc tính chỉ số CPI dựa trên rổ hàng hóa gồm tới 752 mặt hàng là bất hợp lý. Lý do là những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu hằng ngày của người dân chỉ trên dưới 10 mặt hàng. Như vậy, nếu tính trung bình mức giá của hơn 750 mặt hàng thì chỉ số CPI chắc chắn chỉ khoảng vài phần trăm và phải cộng dồn năm năm may ra mới lên tới mức 20%. Điều này có nghĩa nếu chờ biến động CPI tới 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sẽ gây thiệt thòi cho người nộp thuế.
Đề xuất sửa đổi quy định này, ông Xoa cho rằng giải pháp thứ nhất là điều chỉnh quy định về CPI. Theo đó, khi CPI tăng 5%-7%, tối đa 10% thì phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thay vì 20% như hiện nay. Thứ hai, cần xác định lại rổ hàng hóa tính CPI đối với thuế TNCN. Cụ thể, rổ hàng hóa tính CPI đối với loại thuế này chỉ khoảng 10 mặt hàng thiết yếu như gạo, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, xăng, gas, điện, nước… thay vì 750 mặt hàng thì mới sát với thực tế đời sống của người dân.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, mỗi năm khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo, thay vì quy định cứng ở mức cố định.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, đề xuất mức giảm trừ cho người nộp thuế nên bằng khoảng năm lần mức lương cơ sở vùng (tương đương hơn 20 triệu đồng/tháng) và mức giảm trừ cho người phụ thuộc bằng 50% người nộp thuế. “Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh thời điểm này là bước cần thiết nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, đồng thời tạo động lực phục hồi, phát triển kinh tế, khi đó số thu thuế TNCN vẫn sẽ tăng” – ông Hậu nói.•
Cần phải sửa đổi vì không còn phù hợp Nhiều chuyên gia và người nộp thuế khẳng định mức giảm trừ bản thân 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp so với mức sống của người dân hiện nay, vì vậy cần phải sửa đổi. Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới đây cho biết các mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp đã giảm cho mọi đối tượng nộp thuế… Song trong văn bản lấy ý kiến về sửa đổi Luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bên liên quan rà soát, đánh giá góp ý sửa đổi gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh… |
Nguồn: Báo Pháp Luật
https://plo.vn/kinh-te/nang-muc-giam-tru-gia-canh-de-bot-ganh-nang-cho-dan-1053108.html